Thứ sáu, 19/04/2024 - 19:24|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Thị trấn Đình Cả

Tài liệu văn học địa phương

Tài liệu đính kèm: Tải về
Danh sách file:

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÁI NGUYÊN

 

 

 

 

TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG

MÔN NGỮ VĂN LỚP 6

(Lưu hành nội bộ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thái Nguyên, năm 2013


LỚP 6

Bài 1: VÀI NÉT VỀ VĂN HỌC THÁI NGUYÊN

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được khái quát sự phát triển, tồn tại của văn học tỉnh Thái Nguyên trong sự phát triển chung của văn học nước nhà.

A. KHÁI QUÁT VĂN HỌC DÂN GIAN THÁI NGUYÊN

I. Khái niệm văn học dân gian Thái Nguyên và phạm vi vùng văn hóa Thái Nguyên.

Văn học dân gian (VHDG) từ cội nguồn bao giờ cũng phát sinh từ một làng, một mường bản cụ thể. Quá trình giao thoa văn hóa trong phạm vi một vùng hay một bộ tộc hoặc giữa các dân tộc đan xen quần tụ đã tạo dựng, tích hợp thành vốn VHDG của một địa phương. Cái vốn đó lại do những điều kiện địa lý - lịch sử và sự vận động xã hội nhất định trong quá trình hình thành, phát triển Nhà nước và cộng đồng quốc gia dân tộc cùng tiếp thụ lẫn nhau, hòa nhập vào nhau trở nên phong phú về nội dung, bền vững về phong cách, đa dạng về sắc thái. Đó chính là giá trị có ý nghĩa nền tảng tinh thần thống nhất trong đa dạng.

Văn học dân gian trên vùng văn hóa Thái Nguyên không nằm ngoài quy luật trên. Nó vừa chứa đựng cái nguồn sống chảy trong nguồn mạch văn hóa cộng đồng, vừa không ngừng tích tụ những nét bản sắc Thái Nguyên trong lịch sử. Do đó, việc giới thuyết nó trong khái niệm VHDG Thái Nguyên là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Đương nhiên, VHDG Thái Nguyên là tổng giá trị VHDG của các thành phần dân tộc anh em đã từng cộng cư và quần tụ từ trước cả khi Thái Nguyên có địa danh hành chính là bộ Vũ Định thời Hùng Vương. Trải qua các biến thiên lịch sử gắn với mỗi thời đại: khi thu hẹp châu Thái Nguyên chỉ là một huyện Đồng Hỷ (thời Lý), khi mở rộng trấn Thái Nguyên lại bao gồm cả phủ Cao Bằng (thời Hậu Lê), khi tách ra thì một phủ Thông Hóa cũng được đổi thành một tỉnh Bắc Cạn (thời Pháp thuộc)….Tuy vậy, dù sao địa giới cũng chỉ là vấn đề lịch sử hành chính, còn lịch sử văn hóa truyền thống trong đó có VHDG thì rõ ràng không thể đặt gọn vào một khuôn khổ có tính xác định trong từng thế kỷ.

II. Tiến trình thể loại và những đặc điểm cơ bản

Chỉnh thể VHDG Thái Nguyên trong các thành tựu đã sưu tập hiện nay chưa đủ dữ kiện để dựng lại một hệ thống tiến trình phát triển của nó trong lịch sử. Do đó, chỉ có thể giới thiệu VHDG Thái Nguyên là một di sản đa thể loại hợp thành. Trong đó VHDG Tày - Nùng giữ vai trò chủ thể giữa một toàn cảnh văn hóa giàu bản sắc tộc người, tạo thành bản sắc Thái Nguyên.

1. Loại hình tự sự dân gian

1.1. Thần thoại Thái Nguyên khá phong phú đa dạng. Trong đó thần thoại suy nguyên còn ít được sưu tập ngoài các mẫu kể đơn giản về người khổng lồ Tài Ngào vẫn được lưu truyền ở thần thoại H'mông - Dao cũng như thần thoại Sán Dìu, Trại Đất…ít mang bản sắc địa phương, nhưng cũng tập hợp thành các  nhóm mẫu kể trên các địa bàn Định Hóa, Đại Từ và vùng ngoại thành Thái Nguyên. Hầu hết, bộ phận này là các thần thoại nguồn gốc tộc người, tộc danh và địa danh. Cá biệt, có thần thoại Tày khá trùng khớp với thần thoại Việt Mường (Sự tích các dân tộc Tày, Nùng, Mèo, Dao là anh em).

1.2. Truyền thuyết Thái Nguyên nổi đậm màu sắc tiếp xúc và hội tụ. Truyền thuyết địa danh hiện còn vô số các mẫu kể: Giếng Dội, Núi Xem, Núi Văn, Núi Võ, Vực Ách, Gò Chùa (Đại Từ) Đồi Vua Mọc, Đá Miếu Nữ Tướng (Phú Lương)…Trong đó có nhiều mẫu kể ở Phú Lương, Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên như: Sự tích Đền Cô Thắm, Sự tích Miếu Nữ Tướng, Sự tích Gò Chúa Chỏm, Sự tích Núi Cô Tiên, Núi Đong Quân…đều chứa đựng khá nhiều mô - típ truyền thuyết dân tộc Kinh. Có thể cho rằng đó là những truyện có liên hệ ít nhiều với các truyền thuyết về Thánh Gióng và Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, các truyền thuyết lịch sử về Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú, Hoàng Hoa Thám, Trịnh Văn Cấn…trên đất Thái Nguyên vẫn là những mẫu kể đáng chú ý hơn cả. Bởi lẽ từ đó hiện ra những con người Thái Nguyên thật sự khổng lồ về ý chí. Họ là những anh hùng dân tộc giữa đời thường, rất đáng khâm phục mà không hề xa cách trong cảm quan thẩm mỹ dân gian.

1.3. Cổ tích Thái Nguyên là cả kho tàng phong phú bao gồm từ những mẫu kể còn đơn giản, chỉ có một mô típ như Sự tích Thôm Toòng (Ao Đồng) ở Phú Bình, Sự tích Ruộng Thác Đao (Dải lụa đào) ở Đại Từ…đến những mẫu kể chuỗi xích liên hoàn như Tua Tềnh và Tua Nhì (kiểu Tấm Cám) ở Định Hóa. Trong đó, yếu tố giao thoa văn hóa Kinh - Tày rất đậm nổi, nhưng vẫn không làm nhạt nhòa bản sắc tộc người. Bên cạnh một số cổ tích Kinh, có thể thấy cổ tích Tày - Nùng phong phú vào bậc nhất. Đóng góp quan trọng của bộ phận này vào kho tàng cổ tích Việt Nam  là ở sự nảy nở vô số các mẫu kể cổ tích loài vật. Đó là những mẫu kể còn khêu gợi không khí hoang sơ, thôn dã mà kỳ thú (Sự tích thi gào to, Sự tích giống ếch lưng gù). Ở thể loại này, còn thấy các tộc người có số dân không quá mười ngàn người như Cao Lan, Sán Chí…cũng có những mẫu kể đặc sắc. Hầu hết trong số này là sự tích về người mồ côi và người đội lốt.

1.4. Truyện ngụ ngôn và truyện cười Thái Nguyên còn ít hơn các thể loại khác về số lượng và chưa hoàn thiện để đạt đến chất lượng ở đỉnh cao. Điều đó có lý do lịch sử - xã hội. Cư dân bản địa - chủ thể Thái Nguyên là người Tày nói chung không sở trường lối tư duy triết lý trừu tượng. Mặt khác, đa số các vùng văn hóa Thái Nguyên trước cách mạng tháng Tám mới bước vào hình thái xã hội phong kiến sơ kỳ. Kiểu truyện cười khôi hài một cách trí tuệ, theo lối trào lộng chữ nghĩa bằng tiếng Tày - Nùng là xuất sắc hơn cả, nhưng cũng còn ít được phổ biến.

1.5. Truyện thơ Thái Nguyên khá phong phú. Một truyện thơ Tày - Nùng được sưu tập chủ yếu ở Cao Bằng hiện nay cũng thấy có ở Thái Nguyên. Nội dung chủ đạo trong thể loại này nổi bật hai vấn đề: bi kịch tình yêu và khát vọng anh hùng chống ngoại xâm. Truyện thơ H'mông - Dao còn đậm màu sắc thơ ca nghi lễ, tình huống cốt truyện khá đơn giản nhưng nội dung đáng được chú ý đặc biệt. Từ vùng Chợ Mới (Phú Lương) đến Phổ Yên, các truyện nôm khuyết danh của người Kinh khá phong phú. Chỉ riêng ở vùng Đèo Vai cách Chợ Mới không xa, người Tày đọc Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa bằng tiếng Kinh như của chính tộc người mình. Ở đây có nguyên nhân từ sự hòa nhập nhân chủng tộc người.

2. Loại hình trữ tình dân gian

2.1. Thể loại bao trùm loại hình trữ tình dân gian là ca dao. Ca dao hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các thể loại hát dân ca trong đời sống dân gian các dân tộc Thái Nguyên: gầu plênh (hát giao duyên), gầu xống (hát cưới xin), gầu tú dua (hát mồ côi), gầu tuờ (hát cúng ma)…của người H'mông ở Đồng Hỷ, phong slư (thơ tình yêu dân gian), sli lượn (hát trữ tình) của người Tày - Nùng ở Võ Nhai. Hàng loạt bài sli lượn Thái Nguyên  cho thấy sự giao thoa mạnh mẽ giữa hai nền văn hóa Kinh - Tày, từ địa danh, ngôn ngữ đến cung cách phô diễn tình cảm. Đặc điểm này nổi đậm trong thể tài ca dao sinh hoạt. Không thể không dẫn một vài câu như:

Gái xuống tắm tinh thông canh cửi

Tiếng lượn ngọt hơn mật với đường

Hình dong sáng hơn "gương thần diệu"

Ăn mặc những "yểu điệu thướt tha"

Xinh gái bằng "Ngọc Hoa công chúa"

Anh làm trai khách khứa xin mừng.

 

(Lượn mừng trong mục Lượn mỏ nước - theo Vi Hồng)

Có thể nhận ra các tiếng phổ thông (trong ngoặc kép) ở đoạn trên được dùng nguyên văn trong bài hát Tày. Về các yếu tố thiết kế âm nhạc, còn có thể nhận ra những nét có dáng dấp hát chầu văn (Nam Hà), hát quan họ (Bắc Ninh).

2.2. Ở các vùng Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên cho thấy đặc biệt phong phú ca dao sinh hoạt bằng tiếng phổ thông. Đó là những bài ca cầm tay, những bài hát mừng quê hương mới, cuộc sống mới trên những vùng "đất lành chim đậu".

Quê Ngâu thì ở Hà Đông

Ngâu đi lấy chồng ở đất Hà Tây

Gặp mình ta lại cầm tay…

          (Ca dao cầm tay - Phú Bình)

Đó là những khúc hát ngắn, trữ tình duyên dáng, thường được diễn xướng trong hình thức đối đáp trên ruộng đồng gò bãi khắp các vùng bán sơn địa xứ Thái.

Ca dao lao động với chức năng tổ chức lao động giản đơn ở Thái Nguyên không nhiều, và chỉ còn dấu ấn trong các bài hát vui chơi của trẻ em các dân tộc.

3. Loại hình trung gian

3.1. Tục ngữ Thái Nguyên có đủ các nhánh, nếu xem xét nó trong sắc thái nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc anh em: tục ngữ Tày - Nùng, tục ngữ H'mông - Dao, tục ngữ Sán Dìu, tục ngữ Cao Lan, Sán Chí…Ở thể loại này, có thể thấy rõ những giá trị đặc sắc trong ngôn ngữ văn hóa đặc thù. Ngạn ngữ, phương ngôn Thái Nguyên không nhiều. Tuy nhiên, chỉ tìm hiểu một số bài ngắn trên đất Phú Lương, Võ Nhai cũng đã thấy nội dung chủ đạo của nó là ngợi ca những miền quê giàu về sản vật, đẹp về tình người trong kỷ niệm thôn dã.

3.2. Các loại hát mo hát pụt, loàn, mại xe, phuối rọi, ngũ luận ngôn, tông nặc…còn ít được nghiên cứu từ nguyên dạng trong đời sống văn nghệ Thái Nguyên.

III. Kết luận

Văn học dân gian Thái Nguyên là kho báu trí tuệ, tâm hồn, tình cảm thẩm mỹ cao đẹp và phong phú của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên. Trước hết, nó biểu hiện sự tích tụ văn minh Thái Nguyên ngàn năm trên các vùng đất cổ, trong khu vực lan tỏa của nền văn hóa Thần Sa. Màu sắc tiếp xúc và hội tụ của VHDG Thái Nguyên rất đậm nổi. Nhưng đó là những giá trị hợp lưu văn hóa được lắng kết muộn màng, cùng với quá trình du cư của đồng bào các dân tộc ít người theo sự chuyển dịch dần các vùng rừng rậm rạp lên phía Bắc, kéo theo sự đan xen ngày một gia tăng của dân tộc người Kinh, mà một bộ phận đã Tày hóa. Sự thay đổi môi trường sinh thái do những tác động quy luật xã hội đương nhiên đã tác động mạnh mẽ vào đời sống văn học dân gian. Hoàn toàn có thể khẳng định VHDG Thái Nguyên là một nguồn mạch tạo dựng nền VHDG Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

B. VĂN HỌC THÁI NGUYÊN TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN NAY

I. Tiến trình phát triển

1. Cách mạng tháng Tám thành công, tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Pháp đã mở ra cho Việt Bắc một thời kì văn học mới (giai đoạn lịch sử này, Thái Nguyên là một thành tố không thể tách rời vùng Việt Bắc). Trong kháng chiến 9 năm, Thái Nguyên cũng như nhiều tỉnh thuộc An toàn khu đã trở thành cái nôi của văn chương cách mạng, văn học kháng chiến. Năm 1949, cơ quan Hội Văn nghệ Việt Nam đóng tại Làng Chòi thuộc Yên Giã, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Những nhà thơ, nhà văn như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Huy Cận…đều đã có thời gia sinh sống và hoạt động ở đây.

Thời kỳ này, đồng thời với các nhà văn đàn anh từ khắp miền đất nước tụ về, sự xuất hiện của các cây bút là người dân tộc ít người, quê gốc tại Việt Bắc như Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại…cùng những tác phẩm viết bằng tiếng Tày, Nùng, Dao đã góp phần làm cho văn học kháng chiến của đất nước trở nên đa dạng, đa diện, đa sắc. Và có thể nói, những tác giả là người dân tộc ít người vừa nêu trên cũng chính là những tên tuổi đầu tiên làm nên nền văn học Việt Bắc và văn học Thái Nguyên sau này.

Năm 1957, Hội Văn nghệ Việt Bắc được thành lập tại thị xã Thái Nguyên (lúc này là thủ phủ khu tự trị Việt Bắc) đã như một cuộc hội tụ lớn của văn nghệ sĩ 6 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Từ đây, nền văn học thành văn của các dân tộc Việt Bắc, trong đó có Thái Nguyên, có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Những tác phẩm quan trọng như Muối của Cụ Hồ, Xuân về trên núi của nhà thơ người Dao Bàn Tài Đoàn; Tiếng ca người Việt Bắc của nhà thơ dân tộc Tày Nông Quốc Chấn; Ché Mèn được đi họp, Muối lên rừng của nhà văn Nông Minh Châu; Ăn ngay nói thẳng của nhà văn Nông Viết Toại đều ra đời trong giai đoạn này.

2. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa văn học sang một thời kì mới. Toàn Đảng, toàn dân tập trung vào hai nhiệm vụ chính là chống giặc ngoại xâm và xây dựng kiến thiết đất nước. Văn học Thái Nguyên tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh chung của đất nước. Chủ đề "tất cả cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" là chủ đề trọng yếu của văn học lúc bấy giờ đã được các cây bút khai thác triệt để. Một điều đáng nói là chính trong những năm tháng đầy cam go và ác liệt ấy, đội ngũ sáng tác ở Thái Nguyên đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Kế tiếp những tên tuổi đã được khẳng định trong kháng chiến chống Pháp, ngay từ những năm đầu của thập niên 60 (thế kỷ XX) hàng loạt các cây bút mới như Lê Minh, Xuân Cang, Vi Hồng (văn học), Bế Sĩ Uông, Nông Ích Đạt, Bế Dôn (kịch)…đã dần dần hiện diện trên văn đàn cả nước cũng như ở Thái Nguyên. Những tác phẩm của các nhà sáng tác trong những năm tháng này đều mang hơi thở nóng hổi của thời đại: Trận địa giữa ruộng bậc thang (Nông Minh Châu); Suối gang, Lên cao (Xuân Cang); Người chia ánh sáng (Vi Hồng); Suối Lê Nin (Trần Văn Loa); Gái Quan Lang (Lê Thoa)…

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, cũng lại là lúc đội ngũ sáng tác văn học của Thái Nguyên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Các giải thưởng của tổ chức văn học lớn ở Trung ương vào thời kỳ này của các nhà văn Xuân Cang (Những vẻ đẹp khác nhau, tặng thưởng Hội Nhà văn 1968); Vi Hồng (Cọn nước eng Nhàn, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn 1971); Hồ Thủy Giang (Cô Bánh Xích, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn 1971)…cùng sự xuất hiện khá rầm rộ những tên tuổi mới như Ma Trường Nguyên, Trần Văn Loa, Hoàng Minh Tường, Trịnh Thanh Sơn, Chu Hồng Hải, Nguyễn Đức Thiện, Khánh Điểm, Ba Luận…đã làm nên một diện mạo văn học Thái Nguyên trên văn đàn cả nước.

3. Bước sang thời kỳ thống nhất đất nước (1975) đội ngũ văn học Thái Nguyên vẫn tiếp tục thế mạnh của mình. Nhiều nhà văn đã hướng ngòi bút vào hiện thực mới của xã hội. Những chủ đề về cuộc sống hòa bình, thống nhất, tình cảm Bắc Nam cùng những biến cố của thời cuộc đã dần dần đi vào văn học. Một số tác giả Thái Nguyên đã trưởng thành và được khẳng định qua các tập sách riêng gây được sự chú ý của dư luận. Tiêu biểu nhất là hai tiểu thuyết Đất bằngVãi Đàng của nhà văn Vi Hồng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - năm  1980, đã được đánh giá như một hiện tượng tiểu thuyết Việt Nam của thập kỷ 80 (thế kỷ XX).

Năm 1987, sự ra đời của Hội văn học nghệ thuật tỉnh đã như một bước ngoặt lớn đối với văn học Thái Nguyên.

Sự xuất hiện hàng loạt các cây bút ở các lứa tuổi, các thể loại với nhiều bút pháp khác nhau đã làm cho "kho tàng văn chương" Thái Nguyên giàu có lên một cách đáng mừng. Những tác giả văn xuôi nối nhau, đại diện cho nhiều thế hệ cầm bút: Đặng Vương Hưng, Hà Đức Toàn, Nguyễn Bình Phương, Lê Thế Thành, Nguyễn Cao Thâm, Nguyễn Minh Sơn, Đỗ Dũng, Nguyễn Văn, Ngọc Thị Kẹo, Thanh Hằng, Hoàng Luận…Những cây bút thơ theo năm tháng lại phát triển không ngừng như: Thế Chính, Trần Thị Vân Trung, Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Đức Hạnh, Hữu Tiệp, Hiền Mặc Chất, Nguyễn Long, Ba Luận, Minh Hằng, Huy Duân, Nguyễn Anh Đào, Vũ Đình Toàn, Triệu Doanh, Mai Thắng…Đó là những tên tuổi trưởng thành trong thời kì Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên được thành lập.

4. Thế kỉ XXI, cùng sự chuyển mình của đất nước, văn học Thái Nguyên đã có những bước tiến mới. Một lớp tác giả đã xuất hiện từ cuối thể kỷ trước đang được dần dần khẳng định ở đầu thế kỉ này như: Phạm Đức, Bùi Thị Như Lan, Dương Thu Hằng, Trần Quang Toàn, Tô Sơn, Phan Thái, Bùi Nhật Lai, Phạm Ngọc Chuẩn, Thu Huyền, Phan Thức, Xuân Nùng, Nguyễn Kiến Thọ, Trần Xuân Tuyết, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Thịnh, Hồ Triệu Sơn, Ngọ Quang Tôn, Phạm Quí…

Hàng chục đầu sách riêng được xuất bản hàng năm của các tác giả Thái Nguyên, dù chất lượng không đồng đều nhưng cũng đã minh chứng cho những bước đi dài rộng của văn chương toàn tỉnh.

Giai đoạn văn học này, có một điều đáng nói là trong khi văn xuôi Thái Nguyên chỉ phát triển một cách bình lặng thì thơ lại có những bước tiến vượt bậc mà có lẽ Thái Nguyên chưa bao giờ đạt được. Ba tập thơ của Nguyễn Thúy Quỳnh (Mưa mùa đông), Võ Sa Hà (Cánh chim về núi), Minh Thắng (Rét ngọt) được giải của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong các năm 2004 và 2006; Ba giải thưởng thơ của hai tờ báo lớn: Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ trao cho ba tác giả: Nguyễn Thúy Quỳnh, Lưu Thị Bạch Liễu và Võ Sa Hà đã đưa vị thế thơ của Thái Nguyên lên một tầm cao mới so với toàn quốc.

Song song với thơ và văn xuôi nhưng công tác nghiên cứu, lí luận, phê bình ở Thái Nguyên mới chỉ được tiến hành trong các nhà trường Đại học nằm trên địa bàn tỉnh, nội dung cũng hạn hẹp trong phạm vi học đường chứ chưa phổ biến để trở thành một hoạt động rộng khắp trên toàn tỉnh. Bởi vậy, đội ngũ viết phê bình, lí luận văn học ở Thái Nguyên còn yếu và thiếu. Ngoài những tác giả như nhà văn Lâm Tiến, nhà giáo Vũ Châu Quán, Vũ Đình Toàn, các PGS-TS Trần Thị Vân Trung, Vũ Anh Tuấn, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Huy Quát, chưa thấy sự xuất hiện của các cây bút mới.

Sáng tác kịch bản ở Thái Nguyên cũng còn nhiều hạn chế. Từ những năm 90 của thế kỉ trước đến nay, với một số ít vở kịch nói, chèo của Nguyễn Đức Trạo và Mông Đông Vũ được dàn dựng trên sân khấu và truyền hình trung ương, còn hầu như rơi vào im lặng.

Một sự kiện văn học nghệ thuật không thể không nhắc đến, đó là sự ra đời của tờ Báo Văn nghệ Thái Nguyên vào giữa năm 1991. Tuy còn nhỏ, lẻ, lượng phát hành không cao nhưng tờ Văn nghệ Thái Nguyên nhiều năm nay, đặc biệt là sang thế kỉ XXI đã thực sự bước vào đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh nhà, là một diễn đàn không thể thiếu của anh chị em văn nghệ sĩ Thái Nguyên.

II.Những đặc điểm cơ bản

1. Văn xuôi

Qua mỗi thời kì văn học, văn xuôi Thái Nguyên luôn bộc lộ những đặc điểm nhất định. Trong kháng chiến chống Pháp và thời kì đầu của hòa bình lập lại, nhân vật tiểu thuyết và truyện ngắn của các nhà văn thường là anh lính cụ Hồ, những người nông dân miền núi đi theo cách mạng…

Suốt một thời gian dài sau đó, người công nhân, nông dân, người lính luôn là nhân vật trung tâm trong văn xuôi Thái Nguyên. Những tác phẩm văn xuôi trong thời kỳ này có lối viết đơn giản, xuôi chiều, ít cá tính.

Khoảng những năm 1980 trở lại đây, ở Thái Nguyên, mà bắt đầu từ nhà văn Vi Hồng, cuộc sống tâm hồn con người miền núi đã được miêu tả một cách phong phú, sâu sắc, đa dạng. Với sự vận dụng tối đa vốn văn hóa dân gian, Vi Hồng đã sáng tạo và khởi xướng một cách viết mới về miền núi, mà có nhà văn đã nhận định đó là cách viết "Hiện đại hóa dân gian". Sau này, không ít các nhà văn người dân tộc ở Thái Nguyên và Việt Bắc ảnh hưởng Vi Hồng một cách sâu sắc và có hiệu quả.

Từ cuối thế kỉ XX bước sang thế kỉ XXI, trước làn sóng hội nhập toàn cầu, trong sự tiếp nhận các lí thuyết văn học hiện đại của thế giới, văn xuôi Thái Nguyên tuy còn nhiều hạn chế, nhưng cũng không nằm ngoài xu thế chung ấy.

Các cây bút văn xuôi Thái Nguyên, dù ít dù nhiều, dù thành công hay chưa thành công, đều đã bắt đầu có những chuyển động nhất định trong bút pháp, trong phương pháp, trong quan niệm về hiện thực….và đã có những thành tựu nhất định.

2. Thơ

Thơ Thái Nguyên luôn có những bước thăng trầm. Vào khoảng vài chục năm đầu kể từ khi hòa bình lập lại, nếu coi các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Giang…là những người đã sống và hoạt động lâu năm ở Thái Nguyên là các nhà thơ của xứ Thái, thì có thể nói, thời kỳ này đã đánh được một dấu son khá rực rỡ cho phong trào thơ tỉnh nhà. Nhưng nhìn chung, đội ngũ thơ Thái Nguyên mặc dù trải qua năm tháng đã được hình thành, thậm chí khá đông đảo nhưng chỉ dừng lại ở ý nghĩa phong trào, thiếu hẳn tính chuyên nghiệp. Vào đầu thế kỉ XXI thơ Thái Nguyên mới thực sự nổi  bật khi một số tác giả có ý thức tìm tòi và đổi mới thơ. Có thể nhận định, thơ Thái Nguyên thế kỉ XXI đã có sự đổi về chất. Võ Sa Hà từ lối viết truyền thống cùng sự tiếp cận thi pháp hiện đại đã tạo ra những hình tượng, những ngôn từ thơ đầy ám ảnh. Nguyễn Thúy Quỳnh cùng những độc bạch nội tâm, giàu triết lí, thấp thoáng hình ảnh thơ siêu thực. Lưu Thị Bạch Liễu với giọng điệu lạnh lùng, bất an, chứa chất nhiều "ẩn số". Rồi Nguyễn Đức Hạnh, Thế Chính, Nguyễn Kiến Thọ, Phạm Văn Vũ…mỗi người một vẻ, một đóng góp đã thổi bùng ngọn lửa thi ca Thái Nguyên hôm nay.

Từ những thành quả của thơ Thái Nguyên trong nhiều năm trở lại đây và đặc biệt là từ số không nhiều các tác giả thơ vừa nêu trên, ta có thể nhận định: Thơ Thái Nguyên đang trên đà đổi mới và phát triển.

III. Kết luận

Hơn một nửa thế kỉ đối với tiến trình văn học của một địa phương không phải là quá dài. Hơn nữa, Thái Nguyên vốn là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, là nơi hội tụ của nhiều dân tộc, nhiều vùng miền, mang nhiều nét đặc trưng về kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ….chắc chắn văn học không thể phản ánh đầy đủ và sâu sắc trên mọi bình diện cuộc sống. Việc giới thiệu, đánh giá văn học hiện đại Thái Nguyên cũng chỉ có thể như những phác thảo, nhằm mục đích giới thiệu, tạo ra một cái nhìn tổng quan ban đầu.

Nhưng chắc chắn có thể khẳng định là văn học Thái Nguyên, đến ngày hôm nay, đã đủ sức hòa nhập vào tiến trình văn học Việt Nam đương đại.

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Đặc trưng của văn học dân gian Thái Nguyên, sự phát triển và các thành tựu.

2. Đặc điểm của một số thể loại tiêu biểu.

3. Sự phát triển của văn học viết Thái Nguyên qua các giai đoạn cụ thể. Kể tên một số thể loại, tác giả và tác phẩm tiêu biểu.

LUYỆN TẬP

1. Em có suy nghĩ gì về ý kiến: “Văn học dân gian Thái Nguyên là kho báu về trí tuệ, tâm hồn, tình cảm thẩm mĩ cao đẹp và phong phú của dân tộc Thái Nguyên”?

2. Nêu nhận xét khái quát về tiến trình phát triển của văn học Thái Nguyên.

 

 


Bài 2: SỰ TÍCH ĐỀN THƯỢNG NÚI ĐUỔM

                                       - Truyền thuyết -

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được ý nghĩa, nội dung và nghệ thuật của truyện. Có tình yêu thương con người, yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.

 

TIỂU DẪN

Trải qua 4000 năm dựng nước và giữ nước hào hùng, chúng ta thấy trên khắp đất nước, hầu như ở địa phương nào cũng có những ngôi đền thờ những người anh hùng dân tộc. Đó là đền thờ Ngô Quyền và Phùng Hưng ở Sơn Tây, Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Quảng Ninh, Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Vĩnh Phúc…Những người anh hùng ấy đã được truyền thuyết hóa để trở thành phúc thần, được huyền thoại hóa để trở thành nhân vật trong văn học dân gian Việt Nam. Với Thái Nguyên, chúng ta tự hào có một ngôi đền - một truyền thuyết đẹp - một nhân vật văn học đặc biệt như thế. Đó là đền Đuổm thờ người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh và truyền thuyết "Sự tích đền Thượng Núi Đuổm".

***

Ngày xưa có một gia đình nghèo khổ. Hai vợ chồng chỉ sinh được một người con trai. Khi người con mới lên hai tuổi thì người bố qua đời. Hai mẹ con tần tảo nuôi nhau.

Trên núi Đuổm (Động Đạt, Phú Lương) ngày ấy có một bầy tiên nữ xuống đánh cờ. Chàng trai nhà nghèo lớn lên cũng làm cái nghề của bố, ngày ngày chàng lên rừng lấy củi về bán, lấy tiền nuôi mẹ già. Chàng trai còn là người có tư chất thông minh, tuấn tú, hiếu học nên chàng chỉ tự học mà đã tinh thông các ban võ nghệ, lại giỏi văn chương thơ phú. Tương truyền có lần chàng đã giết được một con hổ thọt thành tinh chuyên ăn thịt người trên núi Cấm, trừ họa cho mọi người nên dân trong vùng ai nấy đều mến phục. Đương khi thấy dân làng nghèo khổ mà chàng chưa nghĩ được kế giúp người già, con trẻ thì tình cờ một hôm lên núi Đuổm, chàng gặp bảy nàng tiên. Sau khi hỏi han trò chuyện về gia cảnh, chàng được nàng tiên thứ bẩy đem lòng yêu mến. Một hôm nàng nghe chàng kể lể về ý muốn cứu dân, nàng bèn cởi tấm áo đang mặc trên mình trao cho chàng trai và dặn rằng: "Chàng hãy mặc áo này vào thì mọi người sẽ không còn nhìn thấy chàng, chàng có thể vào kho báu của nhà vua lấy vàng bạc về cho mọi người".

Từ đó, chàng nghèo khổ nọ đã nhiều lần lấy được của cải nhà vua phân phát cho người nghèo. Kho báu của nhà vua ngày càng vơi. Nhà vua tra khảo lính canh thì bọn họ dập đầu kêu oan. Trong bọn có người nói: ngày ngày anh ta chỉ thấy có mỗi một con bướm bay ra, bay vào nhà kho, chứ tuyệt nhiên không thấy bóng một người qua lại.

Nhà vua bày kế bắt con bướm. Thế là chàng trai mồ côi tốt bụng bị nhốt vào cũi, giải về kinh đô. Tại sao lại có chuyện con bướm bay vào bay ra và con bướm đó lại là chàng trai? Có người chưa hiểu cho là áo ma. Thật ra đó chính là vì chàng trai mặc chiếc áo tàng hình của nàng tiên thứ bẩy cho. Số là vì có một hôm chàng đi rừng lấy măng, đốn củi, bị vướng cây nhọn rách một miếng nhỏ. Mẹ chàng không hay biết, bèn đem vải thường vá vào một miếng nhỏ vừa bằng hai cánh bướm. Hình ảnh con bướm ấy chính là miếng vải trần gian.

Thủơ ấy, khi chàng trai đang bị giam cầm trong ngục tối, có lính canh giữ cẩn thận để chờ ngày xét xử, thì nước ta có giặc ngoại xâm. Thế giặc mạnh như vũ bão, người người bị chết, nhà nhà đau khổ, cả một vùng biên ải tan hoang. Trước tin tức tới cấp báo về kinh đô, nhà vua chưa biết ứng phó ra sao thì từ trong ngục tối, chàng trai tính được vận nước, ngỏ lời xin được nhà vua cho đi giết giặc lập công. Nhà vua cả mừng, lập tức chiều lòng chàng.

Chàng trai ra trận như một vị tù trưởng oai phong lẫm liệt, đầu chít khăn đầu rìu màu xanh, vận võ phục màu xanh. Nhân dân nghe tin, theo chàng đi đánh giặc rất đông. Nghe nói giặc có nhiều phép thuật, gươm chặt, giáo đâm không chết nhưng cũng bị đạo quân của chàng đánh cho tan tác. Giặc tan, đất nước thanh bình, chàng trai lại đem đoàn quân của mình lên vùng núi Đuổm lập trang trại để sinh sống. Chàng không cần chức tước, bổng lộc, ơn huệ của nhà vua.

Khi vị tướng đã trở về già, ông làm nghề thuốc chữa bệnh cho dân. Người đời gọi ông là ông lang già núi Đuổm. Tương truyền sau khi ông mất, dân trong vùng tưởng nhớ mà lập đền thờ trên núi Đuổm. Trong khi dựng đền, người ta xẻ một cây mít làm đôi, đem một nửa cây thả xuôi theo dòng sông Cầu. Tấm gỗ mít trôi đến vùng Hà Châu thuộc huyện Tư Nông tức Phú Bình bây giờ thì không trôi đi nữa. Ở Hà Châu nhân dân biết chuyện cũng lập đền thờ, gọi là đền Hạ để phân biệt đền Thượng núi Đuổm. Người xưa còn có câu: Thượng Đu Đuổm, Hạ Lục Đầu Giang.

Ngày nay, đền Đuổm đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá, nhưng nền móng xưa vẫn còn in dấu tích nhắc nhở về người xưa cảnh cũ. Đền đã được xây dựng lại nhiều lần. Ở đền chính, trên hai cột gian giữa còn đắp nổi một đôi câu đối.

Quan Triều đầu thánh thiên thu thái

Động Đạt giáng thần vạn cổ thanh

(Quan Triều sinh thánh ngàn năm thịnh

                    Động Đạt giáng thần vạn thủa xanh)

(Theo Vi Hồng và Vũ Anh Tuấn sưu tầm)

 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Em hãy tìm hiểu nhân vật Dương Tự Minh qua các phương diện: lai lịch, phẩm chất, hành động... Nghệ thuật xây dựng nhân vật có điểm gì đáng lưu ý?

2. Ý nghĩa của câu chuyện.


LUYỆN TẬP

1. Suy nghĩ và hành động cụ thể của em để góp phần bảo vệ và giữ gìn Đền Thượng núi Đuổm và những di tích lịch sử văn hóa của địa phương.

2. Tìm đọc truyền thuyết "Sự tích Lưu Trung và Lưu Nhân Chú".

 

 

 

 


Bài 3: SỰ TÍCH SÔNG CÔNG, NÚI CỐC

                             - Truyền thuyết -

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa của truyện. Trân trọng những khát vọng mang tính nhân văn của nhân dân.

 

TIỂU DẪN

Núi Cốc và sông Công đã trở thành danh thắng của đất Thái Nguyên và đi vào huyền thoại. Ngọn núi và dòng sông ấy đã đi vào thơ, vào nhạc và in dấu trong lòng người Thái Nguyên. "Sự tích Sông Công, Núi Cốc" là một truyền thuyết được nhân dân Thái Nguyên sáng tạo, lưu truyền. Qua thời gian, truyền thuyết ấy đã trở thành một viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian của tỉnh Thái Nguyên.

***

Chuyện kể rằng từ đời xửa đời xưa, tiếng cửa miệng của người dân tộc ở vùng hồ này nói là đời già, đời cũ, ở vùng Hồ Núi Cốc bây giờ có một chàng trai mồ côi vốn là con cả của một gia đình nghèo khổ. Sau khi cha mẹ qua đời chàng phải tự kiếm sống nuôi các em bằng nghề kiếm củi. Ngày ngày chàng mang dao, mang búa lên dãy núi Chúa chặt hết củi cây đến củi cành từ sáng cho đến lúc ông mặt trời lặn rồi mới về nhà. Vốn trước chàng cũng được cha mẹ đặt cho một cái tên để gọi nhưng vì ngày nào chàng cũng phải ngồi ăn hai bữa cơm đêm, chẳng những thế vào những ngày mưa chẳng lên rừng kiếm củi được thì chàng lại phải mò mẫm trên đồng cạn dưới đồng sâu để kiếm con cua con ốc nên mọi người đã quen gọi chàng là chàng Cốc. Năm tháng qua đi, chính chàng cũng không còn nhớ tên thật của mình nữa. Vì nghèo quá, chàng Cốc cũng chẳng được ai kết bạn với mình. Chàng chỉ có một cây sáo làm bạn. Mỗi khi tiếng sáo của chàng vút lên thì con gà gô đang gáy ở rừng sồi giữa trưa nắng chói chang cũng ngừng bặt, gió đang thổi cũng dừng lại để nghe. Muôn vạn cỏ cây chim chóc nơi nơi hễ nghe tiếng sáo của chàng cũng đều phải động lòng thương cảm. Ngày qua tháng lại, khi các em chàng lớn lên mỗi người một nơi thì chàng vẫn kiếm ăn một mình bên dãy núi Chúa, bụng bảo dạ rằng mình đã rơi vào cái phận nghèo thì còn nói gì đến chuyện vợ con. Thế rồi một ngày kia chàng lên đường tìm đến vùng Định Hóa ngày nay và đi ở cho một nhà giàu. Đàn trâu của nhà này đông vô kể. Những nhà kho đựng thóc lúa của họ cũng san sát mọc lên như một cánh rừng. Ruộng của họ cũng nhiều đến nỗi con nai phải  chạy mỏi chân. Nhà này có một người con gái đẹp tuyệt trần. Chẳng những thế mà nàng còn múa dẻo nổi tiếng khắp vùng. Nàng thường có mặt ở những ngày đầu xuân khi bàn làng mở hội tung còn. Các trai bản ai ai cũng  muốn được hát si lượn qua hai bờ núi với người con gái ấy, nhưng tận đến khi tuổi xuân của nàng đẹp rực rỡ, tài múa của nàng mềm mại như dòng nước uốn lượn của con suối trước nhà, nàng vẫn chưa nhận lời kết duyên với ai. Người ta gọi nàng là nàng Công. Nàng vừa đẹp vừa hiền, lại vừa múa khéo, nhưng ít người được trò chuyện. Trong khi đó cha của nàng ra điều kiện kén rể rằng: ai muốn được làm rể nhà nàng thì phải làm công trong ba năm và không được sai phạm một điều gì. Hết thời gian đó, cha nàng sẽ cho gặp mặt nàng Công. Nàng bằng lòng với người nào thì lễ cưới sẽ được tiến hành ngay. Đã mấy năm trôi qua nhưng nàng Công chưa ưng lòng thuận ý đẹp duyên với một người nào. Bởi vì những người đến xin làm rể nhà nàng đông quá. Ngày cha nàng cho họ gặp mặt con gái, họ đứng chen chúc dưới sàn. Khi nàng Công từ trong nhà bước ra, ai cũng cố chen vai thích cánh để ngoi lên cho nàng được nhìn tận mặt, nên nàng Công cứ đứng lặng trước đám người mà không rõ đây là những con người hay là những bộ xương biết đi biết nói. Nàng rùng mình bước vào trong nhà. Đám đông buồn bã hồi lâu rồi mỗi người tản đi một ngả…

Vừa khi ấy nàng Công nghe thấy ở bên ngoài có tiếng sáo vút lên bay bổng, véo von. Thoạt đầu nàng cũng không để ý lắm, nhưng hình như tiếng sáo ấy cứ len lỏi vào tai nàng, tìm đến phòng nàng đang ở để nói lên một nỗi cô đơn và cảnh sống éo le cực khổ của một người nào đó. Chẳng mấy chốc, nàng Công nghe tiếng sáo đầm đìa nước mắt. Nàng quay ra sàn ngoài thì hình như tiếng sáo cứ xa dần. Nàng quay trở vào, vừa đặt mình nằm nghỉ thì tiếng sáo lại vút lên. Hôm ấy nàng thao thức đến nửa đêm về sáng vẫn không thể nào chợp mắt được. Nàng vùng dậy lần tìm theo tiếng sáo. Khi tiếng sáo dẫn nàng vừa kịp đến ngôi lều của chàng trai nọ thì tiếng gà rừng đã eo óc gáy. Nàng Công vội vã ra về. Nàng chưa biết rằng đó chính là tiếng sáo của chàng Cốc. Đêm hôm sau, nàng lại đi tìm. Lần này hai người gặp nhau. Thoạt đầu chàng Cốc thấy sự lạ đã toan tránh vào phía sau đống củi, nhưng nàng Công đã kịp nhận ra. Hai người trò chuyện đến khi biết được ý định chân thành của nàng Công, chàng Cốc mới mạnh dạn ngỏ lời muốn được se duyên với nàng. Không ngờ nàng Công bằng lòng ngay. Từ đó, cứ đêm đêm tiếng sáo lại đưa nàng Công vào rừng với chàng Cốc và sáng mai ra nàng đã có mặt ở nhà. Nhưng câu chuyện tình của họ rồi sau cũng không thể giữ kín mãi được. Người của nhà giàu một lần đem gạo muối vào cho chàng Cốc đã tìm thấy những sợi tóc mượt dài còn vương trên sàn chòi canh trâu  nhà chàng. Người này vội về báo cho ông chủ. Biết chuyện, nhà giàu lập mưu để kiếm cớ đuổi chàng Cốc đi. Một lần họ ngầm sai người nhà chất cỏ khô để đốt chuồng trâu rồi đổ lỗi cho chàng Cốc. Hôm ấy khi thấy lửa cháy rừng rực chàng Cốc chỉ biết mang cây sáo ra thổi. Gió bỗng nhiên ngừng bặt. Chàng Cốc đã mừng nhưng lửa không biết nghe tiếng sáo, cứ lem lém liếm vào mái tranh giữa rừng già. Lũ trâu chạy hoảng loạn. Chàng Cốc bị lửa đuổi sát vào vách đá thì bỗng có một trận mưa như trút. Lửa tắt, chàng Cốc đã thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ đứng ngay trước mặt mình. Chàng chưa hết bàng hoàng thì ông lão tiến lại gần và nói cho chàng biết thâm ý của nhà giàu và khuyên chàng hãy xẻo thịt trâu làm lương ăn rồi mau mau tìm đường thoát khỏi nơi này. Chàng Cốc chưa kịp quỳ xuống tạ ơn thì ông lão đã biết mất. Chàng vội vã làm theo lời ông lão. Ngay trong đêm ấy, chàng tìm đường về quê cũ. Chàng không quên nhờ tiếng sáo chuyển lời mách bảo đến với nàng Công. Ở nhà mình, vừa nghe tiếng sáo kể hết sự tình, nàng Công cũng vội vã khoác tay nải hạt vừng lên vai rồi trốn cha, vượt sàn chạy vào rừng gặp người yêu. Cũng lúc ấy, cha nàng được tin chàng Cốc đã cao chạy xa bay, ông ta vội vàng chạy sang buồng của cô con gái cưng. Nhìn thấy cửa vẫn đóng, then vẫn cài mà nàng Công không còn ở đó, ông ta vội vàng cho người ngựa đuổi theo. Nàng Công kịp trao cho chàng Cốc tay nải hạt vừng thì người ngựa nhà nàng đã rầm rập ở phía sau. Chàng Cốc vội vàng tránh được. Nàng Công bị người nhà bắt về. Để phạt tội trái ý cha, nhà giàu đã đẩy nàng vào tận nhà trong rồi cho người canh gác như một tên tù nặng.

Lại nói chàng Cốc sau khi thoát khỏi cuộc rượt đuổi của người nhà nàng Công, chàng chạy mải miết quên cả cây móc, gai cào chân tay bật máu tươi. Chàng không biết rằng chiếc tay nải hạt vừng đã bị cây cối dọc đường móc rách từ lúc nào. Hạt vừng cứ thế rải theo từng bước chân của chàng, cho đến khi chàng vừa đặt chân đến ngọn núi Chúa quê mình thì những hạt vừng trong tay nải cũng vừa hết. Lúc bấy giờ thấy vai mình nhẹ bỗng, đặt tay lên nắm chiếc tay nải chàng mới hiểu ra cái ý sâu xa của nàng Công. Từ đó chàng lại kiếm sống theo nghề cũ và ngày này qua tháng khác vẫn mong theo lối cây vừng đón gặp được người yêu. Vừng đã ra hoa, hoa vừng đã thành quả, rồi quả vừng khô, cây vừng chết, hạt vừng lại rụng xuống mọc thành cây. Cây vừng lại ra hoa….Đã bao mùa cây vừng thay đổi như thế rồi mà nỗi đợi chờ của chàng vẫn cứ thăm thẳm vô vọng. Một ngày kia chàng Cốc nhịn đói suốt mấy ngày rồi cố trèo lên đỉnh ngọn núi Chúa. Chàng cứ ở mãi trên ấy, ngày đêm đăm đắm nhìn về phương Bắc. Nơi ấy có quê hương nàng Công.

Lại nói về nàng Công từ khi bị người cha giàu có và độc ác rẽ duyên, trong tình cảnh như bị giam lỏng, nàng cũng vô cùng đau khổ. Ngày cũng như đêm nàng chỉ còn biết an ủi mình bằng những dòng nước mắt. Nàng khóc suốt tháng năm dài, thân hình nàng gầy quắt lại, vàng võ chỉ còn da bọc xương. Nước mắt của nàng chảy hoài đến nỗi người cha của nàng cũng phải động lòng. Ông ta hối hận mới chịu sai bảo người nhà không cần canh gác nữa. Chỉ cần có thế, nàng Công vội vàng tìm cách theo về với chàng Cốc. Nàng cứ lần theo những vệt cây rừng mà đi. Nước mắt nàng chảy dòng theo mỗi bước chân. Nàng tìm đến chân ngọn núi Chúa thì chàng Cốc đã không còn ở đây nữa. Nàng Công chưa biết rằng chàng Cốc đã trèo lên đỉnh núi. Trong cơn tuyệt vọng, nàng Công quanh quẩn cứ lần theo chân núi mà tìm. Trời đất như cảm thông với nỗi lòng nàng. Một bà tiên nhân từ đã hóa thành một bà cụ già nhân hậu dựng lên ở đây một ngôi quán nhỏ, rồi đón nàng Công về với bà trong một buổi chiều tà. Bà cụ đem hết lời khuyên giải người con gái. Bà nói mãi nói mãi từ lúc trăng lên rồi trăng lặn. Nhưng tấm lòng nhân từ của bà cụ vẫn không ngăn được nước mắt nàng Công đã chảy thành một con suối tự bao giờ. Dòng suối nước mắt của nàng cứ đầy lên và ôm lấy chân ngọn núi Chúa. Từ tạ bà cụ, nàng cũng trèo lên đỉnh núi. Nàng Công tìm được chàng Cốc thì chàng đã đau khổ và chết héo tự bao giờ. Nàng Công đã đau đớn vừa khóc vừa đắp đất thành mộ cho người yêu trên đỉnh núi cao. Nhưng với hai bàn tay con gái, nàng đắp rất chậm chạp. Đàn mối rừng cảm động trước mối tình éo le ngang trái, chúng kéo về cùng nàng đắp mộ chàng Cốc thành một ngọn núi lớn, đất đỏ ối. Quả núi ấy cứ cao mãi lên. Có người đời sau còn nhớ câu chuyện tình đau thương của hai người, đem kể lại. Từ đấy, người đời gọi dòng suối nước mắt kia là suối nàng Công, còn ngọn núi cao nhất ở quê hương chàng Cốc được gọi là ngọn núi Cốc.

Lại nói sau khi được đàn mối giúp sức, nàng Công đắp xong nấm mộ thì nàng cũng teo tóp dần đi trong bộ quần áo rực rỡ. Nàng héo hắt tàn lụi rồi chết. Nàng biến thành con chim công ngày nay. Đó chính là con chim công mà người Tày gọi là gà công hay gà cúc. Ngày nay các loài gà ở trong rừng như gà cỏ, gà lôi, gà gô…thảy đều gọi là gà thì đều ăn mối. Riêng chỉ có gà công là vì còn nhớ công của đàn mối giúp mình nên chẳng bao giờ ăn mối.

( Theo Vũ Anh Tuấn và Vũ Phong sưu tầm)

 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tình yêu của chàng Cốc, nàng Công được tác giả dân gian kể lại như thế nào? Tìm những yếu tố thần kỳ có trong truyện và cho biết tác dụng của những yếu tố đó.

2. Ý nghĩa của truyện là gì?

LUYỆN TẬP

1. Hãy tóm tắt các sự kiện chính trong tác phẩm. Hãy kể lại theo cách của em nội dung câu chuyện.

2. Sưu tầm tranh ảnh và các bài thơ, bản nhạc viết về  mối tình huyền thoại này.

 


Bài 4: TUA TỀNH TUA NHÌ

         (Truyện cổ tích Tày - Nùng, Định Hoá, Thái nguyên)

 

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa của một câu chuyện có mô típ giống với truyện Tấm Cám của người Kinh.

 

TIỂU DẪN

Tua Tềnh Tua Nhì là truyện cổ tích của dân tộc Tày Nùng, được sưu tầm ở vùng Định Hóa. Truyện có mô típ giống với truyện cổ tích Tấm Cám của người Kinh, một trong những câu chuyện tiêu biểu cho loại truyện cổ tích thần kì Việt Nam và cũng là loại truyện quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới như ở Thái Lan, Cam - pu - chia, Đức, Pháp... Truyện kể về cuộc đời của cô gái mồ côi bất hạnh và ước mơ chiến thắng cái ác để giành và giữ hạnh phúc của mình.

***

Ngày xưa, đời già đời cũ có con trâu còn biết ngồi thì ở bản nọ có một gia đình sinh được hai người con gái. Người chị là Tua Tềnh, người em là Tua Nhì. Mẹ Tua Tềnh mất sớm, Tềnh phải ở với dì ghẻ, người vợ kế của bố Tềnh.

 Người vợ kế rất độc ác. Mụ bắt Tềnh làm việc suốt ngày không một lúc nào công việc dời chân tay Tềnh. Chăn trâu, lấy củi, gánh nước, xay thóc, giã gạo, nấu cám lợn, chăn gà vịt cùng các việc không tên khác trong nhà đều một tay Tềnh lo toan. Trong khi đó thì con Nhì suốt ngày rong chơi, ăn ngon mặc đẹp, người béo múp. Tềnh thì rách rưới như vây cá cờ, người gầy đét vì chẳng bữa nào được no bụng. Nhưng lạ thay Tềnh càng lớn càng xinh đẹp, còn Nhì càng lớn càng béo núc ních như con vịt bầu, đi đến đâu lăn như một cái cối đất. Nhì quen ăn ngon mặc đẹp lại được mẹ chiều chuộng, nên khinh người ra mặt vì thế cả mường ai cũng ghét Nhì. Trái lại Tềnh là con người quen lao động, gặp ai dù mình đang bận trăm công nghìn việc thì Tềnh cũng sẵn sàng giúp, gặp người già người yếu gánh nặng giữa đường thì Tềnh sẵn sàng đỡ cho họ một vai nếu Tềnh đi không….Vì thế cả mường ai cũng thương yêu Tềnh!

Còn Nhì càng lớn càng xấu nết, hắn cũng bắt chước mẹ mắng Tềnh như bà chủ với kẻ ở trong nhà. Người bố tuy thương Tềnh nhưng lại sợ vợ nên chẳng dám bênh Tềnh.

Một năm vào đầu xuân nhà vua mở hội thi tài, thi sắc đẹp của những người con gái trong cả nước để cho hoàng tử kén vợ. Giữa mùa xuân trăm hoa trên cành đang khoe trăm hồng nghìn tía, nhà vua mở hội. Người người trẩy hội áo quần trăm màu rực rỡ cùng ngàn hoa đang khoe sắc thắm xuân sang, nhất là những cô gái có tài sắc thì càng ăn mặc đẹp hơn: Họ ngồi trong kiệu hồng hay trong những chiếc võng đào. Áo quần của các cô gái ấy rực rỡ như những nàng tiên trên trời vừa mới giáng trần để dự hội. Mẹ con nhà Nhì cũng đua nhau sắm sửa hàng tháng để đi dự hội thi sắc thi tài. Mụ cho Nhì ăn mặc như một bà hoàng hậu: áo vóc, quần nhiễu…khắp người đeo đầy những vàng bạc, ngọc ngà…

Đến ngày mở hội thì mẹ con Nhì không muốn cho Tềnh đi xem hội vì sợ sắc đẹp của Tềnh hơn Nhì, mụ bèn trộn một đấu đỗ với vừng và bảo Tềnh:

- Mày phải ở nhà nhặt hết chỗ đỗ và vừng này mỗi thứ riêng ra thì mới được đi dự hội, nếu không tao về thì mày chết.

Tềnh sợ quá cô ngồi khóc hu hu. Mấy con quạ đậu trên cành cây to đầu nhà lên tiếng mách cho Tềnh:

Cù cù, quà quà

Au xâng mà xoà

Au đống mà phắt…

Cù cù, quà quà

(Quạ quạ, quà quà

Đem sàng mà sàng

Đem nia mà sảy

Quạ quạ, quà quà…)

Nghe lũ quạ mách thế, Tềnh liền đem sàng mà sàng, đem nia mà sảy. Tềnh được đỗ ra đỗ và vừng ra vừng. Tềnh chuẩn bị đi dự hội, nhưng Tềnh chẳng có quần áo đẹp để đi hội. Tềnh lại ôm mặt khóc. Trong khi Tềnh đang nghẹn ngào khóc lóc thì bỗng cô nghe thấy có tiếng hỏi mình:

- Cháu làm gì mà khóc đắng, khóc cay như thế?

Tềnh ngẩng đầu lên, một bà già tóc bạc phơ đứng trước mặt, tay chống gậy. Tềnh hoảng sợ nhưng nhìn kỹ thì thấy bà già rất hiền hậu. Tềnh yên tâm kể lại cho bà lão nghe về tình cảnh của mình. Bà lão an ủi:

- Cháu đừng khóc. Cháu muốn đi dự hội để bà giúp cho.

Nói rồi bà lão đưa cho Tềnh một gói nhỏ. Rồi bà lão biến đâu mất. Tềnh mở cái gói nhỏ ra xem: Tềnh thấy những bộ quần áo nhỏ xíu nhưng đẹp vô cùng, trong gói nhỏ còn có nón quai thao, có con ngựa, có đôi giày, xuyến. khuyên…nhưng mọi thứ đều nhỏ xíu cả. Tềnh bày từng thứ ra mặt đất ngắm nghía. Nhưng thật kỳ lạ: khi Tềnh đặt xuống đất thì tất cả mọi thứ đều to lên như mọi thứ thật. Tềnh ướm thử bộ quần áo thì thấy vừa như in…Rồi Tềnh ăn vận mọi thứ thì cũng đều vừa như in. Con ngựa hồng mao rực rỡ hí vang cả mường ý như giục Tềnh: mau mau cưỡi nó để đi xem hội! Tềnh ăn vận đầy đủ như người con gái vua không bằng. Tềnh nhảy lên con ngựa đã sẵn yên bạc, cương vàng đi đến kinh đô dự hội thi tài sắc.

Khi sắp vào hội, phải qua một cái cầu, chẳng may Tềnh đánh rơi một chiếc giày xuống suối. Hoàng tử cưỡi ngựa đi đến cái cầu đó thì con ngựa của hoàng tử không chịu đi mà cứ vếch đầu lên trời mà hí vang cả một vùng! Hoàng tử sai binh lính xuống suối mò thì thấy một chiếc giày rất xinh đẹp! Hoàng tử đem giày đó về cung. Tềnh đi vào hội, ăn mặc rực rỡ và đẹp như nàng tiên thật sự, hai mẹ con Nhì vừa căm tức vừa lạ lùng nhưng không làm gì được.

Giữa hội nhà vua tuyên bố:

- Người con gái tài giỏi trước hết phải biết dệt vải. Dệt nhiều và đẹp. Hẹn ngày mai ai mà có đủ vải lợp một cái nhà lớn thì ta sẽ kén làm con dâu của ta.

Những cô gái có sắc đẹp lại khéo dệt vải - vải được tích sẵn hàng mấy rương thì thi nhau mang vải đến hội để dựng nhà.

Sắc đẹp thì Tềnh vào loại nhất, nhưng Tềnh chẳng có một tấm vải nào cả, nên Tềnh lại ngồi mà khóc…Bà già lại hiện ra trước mặt Tềnh và đưa cho Tềnh một cái dây nhỏ. Tềnh phàn nàn: “Cháu cần hàng vạn sải tay vải cơ, một cái túi nhỏ tí thế này thì chẳng làm được gì đâu…” Tềnh nói chưa dứt thì bà lão nói:

- Con! Ta là mẹ của con. Ta từ ngày về với tổ tiên thì không ngày nào là không ở cạnh con. Mọi nỗi khổ cực của con ta biết hết. Nhưng chưa đến lúc ta giúp con…Con hãy nghe lời mẹ, trong cái túi này đã có đủ cột kèo chạm trổ…Bà lão chỉ nói thế và biến mất.

Ngày hôm sau, những người con gái có sắc đẹp đều thuê hàng nghìn thợ đến hội để dựng nhà và lợp bằng vải. Mẹ con Nhì cũng mang thợ và vải vóc đến hội để dựng nhà. Tềnh cũng đến chiếm một chỗ để dựng nhà theo yêu cầu của nhà vua. Mẹ con con Nhì nhìn thấy Tềnh thì bĩu môi khinh bỉ: “Bà chúa còn chẳng ra gì, huống hồ sâu bọ” (the đeng giảng pần - lọi là mèng rừn).

Hàng trăm ngôi nhà của hàng trăm cô gái đã dựng xong, với hàng trăm nghìn thợ tấp nập. Còn Tềnh thì thui thủi một mình lắp dựng một cái nhà chỉ nhỏ xíu bằng cái hòm đựng quần áo!

Ba hồi trống lớn chấm dứt việc thi dựng nhà nổi lên vang vọng khắp vách đá thì cái nhà nhỏ xíu của Tềnh cũng lớn lên vùn vụt theo nhịp trống của nhà vua. Tiếng trống vừa dứt thì cái nhà của Tềnh cũng lớn lên thành một toà lâu đài với một mái vải trăm ngàn màu làm quáng mắt tất cả mọi người đứng xem. Vua chấm cho Tềnh được giải nhất!

Cuộc thi thứ hai xem ra có vẻ dễ nhưng thật oái oăm. Nhà vua mắc võng đào vào đúng chỗ giọt gianh của cái lâu đài của Tềnh và ra lệnh: Cô nào trèo lên mái nhà lăn xuống, mà lăn trúng võng đào, sau đó lại đi vào chiếc giày của hoàng tử mà vừa như in thì người đó sẽ chính thức làm vợ hoàng tử!

Tất cả các cô gái trong cuộc thi đều lần lượt trèo lên mái nhà và lăn xuống võng đào của nhà vua. Rất nhiều cô lăn ra ngoài võng nhưng cũng có cô sắp rơi vào võng thì cái võng của vua lại tự nó đung đưa tránh hết, không một cô gái nào lăn trúng vào võng cả.

Tềnh là người lăn cuối cùng. Tềnh lăn trúng võng đào nhà vua. Sau đó hoàng tử đích thân mang chiếc giày hoàng tử tìm thấy ở dưới suối Tềnh ướm thử. Tềnh đi chiếc giày ấy vừa như in lại rất giống chiếc giày kia của Tềnh. Hoàng tử cùng nhà vua rước Tềnh về cung và cưới linh đình đến nửa tháng.

Sau khi cưới xong được ít lâu thì nhà vua lâm bệnh và mất. Hoàng tử lên ngôi thay vua cha, Tềnh trở thành hoàng hậu. Hoàng hậu đẻ được một đứa con trai. Cuộc sống ở kinh đô với địa vị hoàng hậu không làm cho Tềnh quên ngày giỗ mẹ. Tềnh xin phép nhà vua về quê để dự giỗ mẹ. Về đến nhà hai mẹ con Nhì giả vờ đón tiếp Tềnh ngon ngọt. Mụ dì ghẻ nói trong khi đang cúng giỗ mẹ của Tềnh:

- Dì nghe nói ngày còn sống mẹ của con hay ăn cam. Con hãy chịu khó trèo lên cây cam bên bờ ao lấy vài quả cúng mẹ. Tềnh nghe thấy phải. Mùa này những cây cam xung quanh bờ ao nhà Tềnh sai quả, trĩu cành những quả cam vàng mọng lúc lỉu rủ xuống mặt ao. Nhìn những cây cam Tềnh càng nhớ đến mẹ. Vừa trẩy cam vừa thấy vui vui trong lòng vì Tềnh nghĩ rằng: mẹ mình sẽ được ăn cam ngon lành từ chính tay mình trẩy cho mẹ! Trong khi Tềnh đang say sưa trẩy cam thì nghe ở dưới gốc mụ dì ghẻ đang chặt gốc cam.

- Dì ơi! Dì làm gì ở dưới gốc cây đấy! Tềnh hỏi vọng xuống.

- Không biết kiến ở đâu đến nhiều vô kể, dì đuổi kiến hộ cho con đấy mà.

Cây cam đổ xuống bờ ao. Tềnh chết dưới ao sâu. Mụ dì ghẻ lột quần áo của Tềnh cho Nhì mặc rồi mụ đưa con Nhì vào kinh đô thay Tềnh. Nhì vào đến cung, con của Tềnh lon ton chạy ra đón mẹ, nhưng nhận ra không phải mẹ của nó, nó kêu lên:

(Sửa khoá pần sửa khoá mé

Khen kha pần ké cần giau)

Quần áo là quần áo của mẹ

Chân tay lại chân tay kẻ ác kẻ gian!

Hoàng tử cũng nhận ra Nhì không phải là vợ của mình, chàng buồn, nhớ vợ vô ngần, suốt ngày hoàng tử hết ra lại vào trong cung, hết ngắm thứ này rồi lại ngắm thứ khác của vợ. Nhớ vợ quá một hôm hoàng tử lang thang khắp bản mường mong tìm thấy vợ. Khi đi qua bờ ao nhà Tềnh, nơi mà Tềnh đã bị chết, hoàng tử thấy một bông hoa giống như một bông hoa sen nhưng đẹp hơn nhiều. Bông hoa nổi rực rỡ trên mặt nước. Hoàng tử thấy đẹp quá, đứng lại ngắm bông hoa rất lâu. Bỗng bông hoa cất tiếng nói:

(Ơi cần khéc lạ quá tàng

Cần khéc làng quá lò

Báo ké nhằng xuôn xỏ xa mìa?

Báo đếch nhằng dàm dè xe mẻ bấu nỏ?)

“Ơi người khách lạ qua đường

Người khách sang ngang lối

Trai lớn có len lỏi tìm vợ?

Trai nhỏ có khóc nhè tìm mẹ?”

Hoàng tử lội xuống ao vớt bông hoa biết nói đem về cung. Ngày đêm hai bố con nâng niu bông hoa đó trên tay mà ngắm nghía mà thơm mãi lấy hương không bao giờ chán. Thật lạ thay bông hoa không cành bám, không có gốc ở đất nhưng bông hoa ấy cứ ngày càng toả hương và khoe sắc. Sắc hoa rực rỡ như ánh hào quang. Bông hoa càng nằm trên tay hoàng tử lâu ngày càng toả hương sắc ngào ngạt, càng rực rỡ.

Thấy nhà vua chỉ yêu quí bông hoa mà chẳng chú ý gì đến mình, Nhì tức lắm. Nhân lúc nhà vua có việc bàn cùng quần thần, con Nhì đem bông hoa ấy vò nát và ném xuống chân dậu. Một con gà trống thấy liền nhặt ăn hết những vụn hoa. Con gà trống sau khi ăn hết bông hoa ấy tự nhiên cất tiếng gáy ngon ngọt lạ thường. Và lông con gà trống sặc sỡ chưa bao giờ thấy. Về nhà thấy mất bông hoa quí, nhà vua buồn vô hạn, nhưng lại thấy con gà trống của mình tự nhiên trở nên rực rỡ, nhà vua lại bắt con gà trống lên nhà. Cũng thật là lạ, khi hoàng tử định nhốt con gà trống vào cái lồng sơn son thiếp vàng thì gà trống cất tiếng gáy và cất thành lời:

(Ọc ó ó…

Dá au xúng mà to

Khỏi chắc lo, chắc lẹo)

Ò ó o…

Đừng đem lồng mà nhốt

Tôi có chước tôi lo…

Nhà vua liền thả con gà trống ra. Gà trống không chạy mà lại quanh quẩn với nhà vua và đứa con. Lâu lâu gà trống lại cất tiếng gáy ngon ngọt cho hai bố con nghe. Và xoè cánh xoè lông rực rỡ ra múa rất đẹp cho hai bố con nhà vua xem. Hai bố con nhà vua lại say mê với con gà trống. Thấy vậy Nhì giận lắm, nhưng không biết làm thế nào. Một hôm nhân nhà vua đi vắng, Nhì đem gà trống thịt ăn. Nhì đưa cho đứa con của Tềnh hai cái coòng (đùi gà), nhưng đứa con của Tềnh không ăn. Chú bé lén đem hai cái đùi gà chôn đằng sau nhà. Nhà vua thấy mất gà buồn như mất hồn, câm như trâu đã ăn mất lưỡi! Nhưng chẳng bao lâu từ chỗ chôn hai cái đùi gà liền mọc lên hai cây trúc xinh đẹp lạ thường. Hai cây trúc mập mạp, lá cây trúc trăm màu. Hai bố con nhà vua ngày ngày ra đây chăm nom cây trúc và đem võng đào ra mắc ở hai cây trúc suốt ngày. Từ những cành lá trăm màu của hai cây trúc phát ra tiếng nhị êm ái suốt ngày ru hai bố con nhà vua ngủ. Từ cành lá cây trúc làn gió mát rượi phe phẩy mơn man trên da thịt vua. Vua ngủ say và thấy mình sảng khoái vô cùng. Vì thấy nhà vua yêu hai cây trúc gấp bội; ngày ngày quyến luyến với hai cây trúc không thèm ngó ngàng gì đến con Nhì cả, con Nhì lại càng tức điên người. Nhì trộm chặt hai cây trúc đó đem vào nhà làm sào căng màn. Nhưng lạ khi con Nhì đi trong nhà, qua lối nào cái sào màn cũng đâm vào mắt. Nhì bực quá, đem hai cái sào màn đun bếp. Hai cây trúc cháy không ra cháy mà chỉ khói um cả nhà. Nhì đi đến đâu khói của cây trúc đang đun ở trong bếp cũng ùa theo và phả vào mắt Nhì, Nhì không mở được mắt. Ở cạnh cung vua, có một bà cụ goá nghèo khổ. Cụ đã già có ít ruộng phải nhờ người làm. Hôm ấy bà cụ nhờ người đến gặt giúp, nên bà cụ phải làm cơm cho những người đến giúp gặt ăn. Nhưng không có lửa để nhóm bếp, những người nhà xung quanh hôm ấy cũng tự nhiên tắt bếp hết. Bà cụ mới đi vào cung vua xin lửa. Nhân có người xin lửa, Nhì đem hai cây trúc cháy dở ấy đưa cho bà cụ và nhổ nước bọt theo sau bà cụ mà nói rằng:

- Phì! Của ma bắt quỷ tha hãy ra khỏi nhà tao!

- (Phỉ! Của rại pây quây, của đây mà xẩư!)

Bà goá một thân một mình đang lom khom nấu nước, người đi làm hộ đã sắp về thế mà bếp lại nhập nhạp nhèm nhèm! Bà cụ cúi xuống thổi. Ngọn lửa từ hai cây trúc bùng cháy sáng chói cả mắt. Rồi một gióng trúc nổ to như người ta đốt pháo. Từ trong gióng trúc, theo tiếng nổ có một cô gái đẹp như tiên bật ra ngồi cạnh bếp. Cô tiên kêu:

 - Ôi nóng quá! Nóng quá. Cụ làm ơn quạt hộ cháu!

 Bà cụ tuy rất bận nhưng cũng phải dừng tay quạt cho nàng tiên Trúc. Bà goá quạt mãi, quạt mãi nhưng nàng tiên Trúc vẫn kêu nóng. Bà quạt đã lâu và mỏi tay bà già bảo:

- Nàng cố chịu khó nhá, già này còn bận nấu cơm cho người đi làm giúp sắp về đến nơi rồi!

- Già ơi, già cứ quạt cho cháu, tí nữa cháu mát, cháu sẽ giúp bà. Thấy nàng tiên Trúc kêu thảm thiết quá bà đành quạt cho nàng tiên Trúc. Bà già quạt mãi quạt mãi cho đến khi chiều tối, mọi người đã gánh thóc đầy về nhà, nàng tiên Trúc mới giúp bà già được. Nàng tiên bảo:

- Già không phải làm gì cả. Già cứ xếp những bát không lên mâm, rồi lấy lá chuối che lại, tí nữa tự khác có cơm cho khách ăn!

Nàng tiên vừa nói vừa giúp bà làm, chỉ trong nháy mắt là xong.

- Bây giờ cháu vào buồng, bà không được nói cho ai biết rằng có cháu giúp nhé! Nói rồi nàng tiên đi vào trong buồng. Khách khứa đi làm về rửa chân tay xong, họ thấy mâm xếp đầy đầy. Khách vào ăn, mọi người mở những tấm lá chuối lớn che trên mặt mâm lên thì thấy toàn thịt và rất nhiều món ăn ngon lành…Thật không thiếu một thứ gì. Ngoài ra còn hàng trăm thức ăn lạ mà người trần chưa được nếm bao giờ.

Từ đấy nàng tiên Trúc ở luôn với bà cụ, ngày ngày nàng tiên dệt vải, dệt lụa cho bà cụ đi bán. Hai bà cháu sống với nhau thật hạnh phúc, nhưng lòng nàng tên Trúc thì không lúc nào nguôi nhớ chồng. Một hôm nàng tự tay làm thức ăn, đủ 120 vị ngon ngọt. Nàng nhờ bà cụ mời nhà vua đến dự tiệc, nhưng bà goá không dám vì già nghèo khó lâu nay…Bà già thấy mình không xứng tiếp nhà vua. Nhưng vì nàng tiên Trúc nài mãi, nể lời nàng bà lão chống gậy đến mời nhà vua. Nhà vua đang buồn nhớ vợ, nên cũng thách một câu cho bà cụ về cho xong:

- Già mời ta đến dự tiệc thì phải có lụa năm màu, vóc năm sắc trải từ cửa nhà già đến cung điện của ta thì ta mới đến.

Bà già lại về nói với nàng tiên Trúc. Nàng tiên trúc bèn đem hết số vóc lụa mà nàng đã dệt được từ lâu nay trải từ nhà bà già đến cung vua. Nhìn những tấm vóc lụa: “Hình như hình vợ cũ, bóng như bóng vợ ta” (Bóng pây bỏng mìa hây, ngàu pần ngàu mìa cáu). Nhà vua lẩm bẩm. Càng nhìn những tấm vóc lụa nhà vua càng nhớ đến vợ. Để khuây khoả nhà vua đến nhà bà già dự tiệc. Nhà vua đi trên những tấm lụa mà thấy mát tận tim…Nhà vua càng nhớ vợ.

Nhà vua cùng bà cụ và con trai ngồi ăn tiệc. Những món ăn rất lạ rất ngon, cứ giống cái hương vị của những bữa ăn mà người vợ cũ đã xào nấu cho nhà vua ăn. Nhà vua hỏi gặng mãi ai đã xào những món thức ăn này. Nhưng một mực bà già cứ bảo là bà làm lấy. Vì nàng tiên Trúc đã dặn bà cụ: dù nhà vua có hỏi thế nào đi nữa thì cũng đừng nói là nàng nấu nướng những món thức ăn này.

Đứa con vua đang cầm chiếc còng gà, định ăn thì có một con mèo ở đâu chạy đến giằng lấy trên tay và chạy tọt vào buồng. Đứa bé chạy đuổi theo…Nhưng đứa bé bỗng chạy ra và reo lên:

- Bố ơi! Bố ơi!... Mẹ con ở trong buồng này này, vừa nói thằng bé vừa chỉ vào trong buồng.

Nhà vua buồn vô hạn:

- Con ăn đi! Mẹ con đã chết từ lâu rồi…

Nhưng đứa bé cứ nhất nhất bảo mẹ nó còn sống và ở trong buồng. Nếu phải mẹ của con thì con hãy xin mẹ con vắt sữa vào lòng bàn tay đem đây cho bố xem! Đứa bé chạy vào, lúc sau đứa bé ra, ngửa lòng bàn tay cho bố nó xem. Những giọt sữa trắng ngần thoảng hương thơm. Nhà vua nhìn và một giọt nước mắt nhà vua rơi vào lòng bàn tay đứa con đang đựng những giọt sữa. Những giọt sữa sôi lên và càng toả hương thơm ngào ngạt. Nhà vua nhận ra giọt sữa của chính vợ cũ của mình. Nhà vua cất tiếng hỏi vọng vào buồng:

Xin mẹ Pụt trên trời

Trình mẹ then trên cao

Phải vợ ta thì ra xem mặt

(Xo mẻ pụt nưa bân

Chiềng mẻ then nưa uja

Dừa mía câu chiềng nà chiềng gần)

Tềnh tức nàng tiên Trúc - ở trong buồng thấy lòng ngọt mọi khúc ruột. Vì nàng biết rằng chồng nàng vẫn thương yêu nàng. Nàng đi ra gặp chồng. Hai vợ chồng bấy lâu lại gặp nhau vui mừng hơn cả cá gặp nước lũ. Họ cười họ khóc với nhau rồi hai vợ chồng xin phép bà cụ già láng giềng trở về cung.

Tềnh trở về đẹp rực rỡ hơn xưa mười lần, Nhì vừa sợ vừa thèm khát được sắc đẹp như chị. Nhì ngọt ngào:

- Chị Tềnh ơi chị Tềnh. Chị làm sao mà được đẹp như vậy?

Thấy hai mẹ con Nhì đã độc ác với mình quá nhiều, nên Tềnh bảo:

- Em muốn đẹp như chị thì khó gì! Cứ nấu một chảo to nước sôi rồi nằm vào loỏng, bảo người khác đổ nước sôi vào đó nó bong lượt người đi thì được đẹp ngay thôi!

 Nhì nghe theo lời Tềnh. Nhì sai lính đun nước sôi. Và Nhì nằm vào trong loỏng, cho lính đổ nước sôi vào. Nhì chết luộc, chết nhừ thịt nhừ xương.

Từ đấy Tềnh sống với chồng con trong cung vua êm ấm.

                        (Theo Vũ Anh Tuấn và Vũ Phong sưu tầm)

 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Hãy xác định bố cục của truyện.

2. Phân tích cuộc đấu tranh giữa Tua Tềnh và mẹ con Tua Nhì để thấy được những giá trị nội dung cũng như đặc sắc nghệ thuật của truyện.

 

LUYỆN TẬP

Tìm những yếu tố thần kì có trong truyện và cho biết tác dụng của những yếu tố đó.

 

 


Bài 5: BIỆN PHÁP SO SÁNH TRONG TRUYỀN THUYẾT, CỔ TÍCH

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được tác dụng của các biện pháp so sánh thường xuyên được sử dụng trong truyền thuyết và cổ tích. Có kĩ năng xác định, phân tích và sử dụng biện pháp nghệ thuật này.

 

1.  Tìm hiểu khái niệm biện pháp so sánh.

2. Tìm hiểu biện pháp so sánh trong truyện cổ tích "Tua Tềnh Tua Nhì" - truyện cổ tích Tày Nùng.

3. Hãy tìm thêm những ví dụ có sử dụng biện pháp so sánh trong truyền thuyết, cổ tích ở Thái Nguyên.

4. Hãy phân tích các ví dụ trên để chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của biện pháp so sánh đã được sử dụng.

 


Bài 6: THI KỂ CHUYỆN TRUYỀN THUYẾT, CỔ TÍCH

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Biết cách kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.

 

1. Học sinh chuẩn bị ở nhà: tập kể chuyện với các tác phẩm: “Sự tích Đền Thượng núi Đuổm”, “Lưu Trung và Lưu Nhân Chú”, “Sự tích Sông Công núi Cốc”, “Tua Tềnh Tua Nhì”…

2. Đến lớp: Học sinh kể lại chuyện. Yêu cầu đối với học sinh:

- Nêu chủ đề của câu chuyện vừa kể.

- Nét đặc sắc nhất trong nghệ thuật của câu chuyện vừa kể.

3. Giáo viên kể lại chuyện hoặc dựng một tiểu phẩm cho học sinh biểu diễn theo cốt truyện của một truyền thuyết, cổ tích nào đó ở Thái Nguyên bằng hình thức kịch nói hay hoạt cảnh đặt lời mới theo các làn điệu dân ca...


 

LỚP 7

Bài 7: CA DAO, TỤC NGỮ THÁI NGUYÊN

( Ở ĐẠI TỪ, PHÚ LƯƠNG, PHÚ BÌNH, ĐỊNH HÓA)

 

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được đặc điểm và cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong nội dung và nghệ thuật của ca dao, tục ngữ Thái Nguyên. Có tình yêu thương con người, yêu quê hương và ngôn ngữ dân tộc được thể hiện trong các bài ca dao, tục ngữ.

I. CA DAO

Bài 1:

- Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

- Đại Từ em thiếu gì giang

Sao anh lại hỏi đan sàng bằng tre?

Bài 2:

Ngồi buồn ra đứng cầu thang,

Gió đưa ngọn cỏ tưởng chàng sang chơi.

Ngồi buồn ra đứng cổng đào,

Ve sầu nó hót cành cao não nùng.

Nước đầy đổ đĩa khôn bưng,

Nàng về ấm phận chớ đừng quên anh.

Bài 3:

                  Bao giờ cho đến tháng tư,

          Lên đất Đại Từ ăn bát canh mon.

                  Ra đi nhớ vợ cùng con,

          Về nhà nhớ bát canh mon Đại Từ.

Bài 4:

                  Xin chàng bỏ áo em ra,

          Rồi mai em lại đi qua chốn này,

                  Chốn này Nhã Lộng Cầu Mây,

          Rồi mai em biết chốn này là đâu.

 

II. TỤC NGỮ

1.    Một hạt thóc, chín hạt mồ hôi.

2.    Mười cây lúa cấy muộn,

       Không bằng năm cây lúa cấy đúng vụ.

3.    Ngồi ăn, núi đá lở.

4.    Đàn ông không biết làm cầy, thành quái,

       Đàn bà không biết dệt vải, thành cáo.

5.    Người tốt, khó được gặp,

       Người khỏe, thấy hàng ngàn.

    (Theo Vi Hồng, Nguyễn Đức Thụ, Vũ Anh Tuấn,

Lục Văn Vận sưu tầm)


HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tìm hiểu ý nghĩa của các bài ca dao 1 và 2. Chú ý cách nói, hình ảnh trung tâm để thấy được không chỉ nội dung mà cả những đặc sắc nghệ thuật trong bài.

2. Tìm hiểu ý nghĩa của một số câu tục ngữ để thấy được những ý nghĩa triết lý, những bài học kinh nghiệm mà tác giả dân gian gửi gắm trong đó.

 

LUYỆN TẬP

Tìm hiểu của các bài ca dao còn lại và sưu tầm thêm các bài ca dao, tục ngữ của địa phương.

 

 

 

 

 

 

 


Bài 8: MỘT SỐ BIỆN PHÁP TU TỪ TRONG CA DAO ĐỊA PHƯƠNG

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Nhận biết và hiểu được tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong ca dao Thái Nguyên. Có kĩ năng xác định và sử dụng trong thực tế. Có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

 

Hãy phân tích một số biện pháp tu từ trong các bài ca dao sau:

1.                              Khi đục như nước Bác Bồ

Khi trong vời vợi như ô thạch bàn

Khi xanh như đám cỏ loan

Khi vàng rờ rỡ như vàng trời cho

 

2. Nước đầy đổ đĩa khôn bưng

 

3. Thương chàng đứt cả dây dao

Quai túi cũng đứt, khăn đào cũng rơi

 

 4. Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

- Đại Từ em thiếu gì giang

Sao anh lại hỏi đan sàng bằng tre?

--------------------------------------------------------

Bài 9: HƯỚNG DẪN SƯU TẦM THÀNH NGỮ,

TỤC NGỮ, CA DAO ĐỊA PHƯƠNG

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Biết cách sưu tầm và phân loại thành ngữ, tục ngữ và ca dao địa phương.

 

1. Các bước tiến hành sưu tầm

-  Tổ chức học sinh thành các nhóm: 5 - 10 học sinh.

-  Phân chia các nhóm về các địa phương: xóm, xã…

- Mỗi nhóm sưu tầm thành ngữ, tục ngữ, ca dao của một dân tộc cư trú trên địa bàn điền dã.

- Tiến hành hỏi, gợi ý, ghi chép.

- Đặc biệt chú ý đến các bậc cao niên để gợi mở, sưu tầm.

2. Phân loại các tác phẩm sưu tầm được theo 3 tiêu chí:

+ Tác phẩm của dân tộc nào?

+ Tác phẩm thuộc thể loại nào?

+ Tác phẩm có nội dung thuộc đề tài, chủ đề nào?

- Tiếng hát giao duyên

- Kinh nghiệm sản xuất

- Phong tục tập quán

- Chống lễ giáo phong kiến lạc hậu

- Tiếng hát than thân…

3. Phân tích, đánh giá

+ Giá trị nghệ thuật

+ Giá trị nội dung

+ Bản sắc văn hóa dân tộc (Kinh, Tày, Cao Lan, H'mông, Thái…)

+ Dấu ấn địa phương: địa danh, đặc sản tự nhiên của từng vùng, miền…

4. Xây dựng chuyên san, báo tường.

5. Tổ chức đọc, ngâm hát, diễn xướng các tác phẩm đã sưu tầm.

 

Bài 10: Theo sgk Ngữ văn 7


LỚP 8

Bài 11: ĐƯỜNG VỀ VỚI MẸ CHỮ

(Trích truyện kí)

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Có kỹ năng đọc hiểu và đánh giá một tác phẩm tự sự. Có ý thức sử dụng và giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Tày.

 

Tiểu dẫn

Tác giả:

Nhà văn dân tộc Tày Vi Hồng sinh ngày 13 tháng 7 năm 1936, mất ngày 31 tháng 3 năm 1997. Quê quán Đức Long, Hòa An, Cao Bằng. Thuở thiếu thời, Vi Hồng từ Cao Bằng về thị xã Thái Nguyên học tại trường phổ thông cấp 3 Lương Ngọc Quyến. Sau khi tốt nghiệp Đại học, có một thời gian ông công tác tại Hà Giang, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1966 trở về làm giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc cho đến khi mất. Ngay từ những năm cuối của thập niên 50 thế kỉ XX, ông đã bắt đầu sáng tác văn học với những truyện ngắn in trên các báo chí Trung ương và địa phương. Truyện ngắn "Ngôi sao đỏ trên đỉnh núi Phia Hoàng" đoạt giải Tổng Hội sinh viên Việt Nam năm 1959, truyện ngắn "Cây su su nọong ỷ" đoạt giải Báo Người Giáo viên Nhân dân năm 1962…đã như một dự báo, như những xuất phát điểm để ông trở thành một cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học các dân tộc thiểu số sau này.

Vi Hồng đã xuất bản trên 20 đầu sách gồm các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, nghiên cứu văn nghệ dân gian…Trong đó, có các cuốn sách tiêu biểu như "Đất bằng" (tiểu thuyết) giải thưởng Hội đồng Dân tộc thiểu số - Hội Nhà văn 1985; "Đường về với mẹ chữ" (truyện vừa) giải thưởng Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1997; "Khảm hải" (nghiên cứu) giải thưởng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1993; "Thầm thì dân ca nghi lễ" (nghiên cứu) giải thưởng Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2002…

Vi Hồng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái (cũ), Nguyên chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Tác phẩm:

"Đường về với mẹ chữ" là một truyện kí mô tả lại quá trình gian khổ và đầy ý chí của nhóm học sinh tỉnh Cao Bằng (trong đó có tác giả) đến học tập tại "Mẹ chữ" - Trường Lương Ngọc Quyến.

***

I

Trước năm 1949 cả bảy tỉnh thuộc miền núi vùng Đông Bắc nước ta chỉ có một trường cấp II gọi là trường trung học Việt Bắc, khoảng 1949 mới đổi thành trường Phổ thông cấp II. Trường luôn luôn di chuyển lúc thì ở giữa rừng sâu, lúc ra chỗ núi đồi quang, nhưng phải học trong hang đá. Mỗi lần tin báo: Tây đi càn, trường lại chạy tản cư cùng dân. Học sinh nghỉ học làm lều lán, tạo dựng lớp học hoặc ở gầm nhà sàn dân…Mấy anh em chúng tôi là học sinh trường này. Chúng tôi học lớp bảy (tương đương với lớp chín bây giờ) có hai mươi tám học sinh. Đây là lớp bảy đón chiến thắng Điện Biên Phủ, đón hòa bình lập lại tưng bừng năm 1954.

Những năm năm mươi tất cả các tỉnh miền núi ở miền Bắc chỉ có mỗi trường phổ thông cấp III hoàn chỉnh. Đó là trường Lương Ngọc Quyến, đặt tại thị xã Thái Nguyên. Trường Lương Ngọc Quyến ngày ấy có cả học sinh Tây Bắc và học sinh người Lào.

Mấy anh em chúng tôi cân nhắc nên đi thi vào học ở trường cấp III nào? Trường Hùng Vương thì xa rồi, ở tận Phú Thọ. Còn trường phổ thông cấp III Ngô Sĩ Liên ở Bắc Giang thì cũng có thể…nhưng lại là trường ở nơi đồng rộng (đồng bằng) sợ không quen! Hơn nữa đường đi có thể xa hơn, chúng tôi lại không hề biết tý gì về con đường từ Cao Bằng đến thị xã Bắc Giang. Chúng tôi chỉ được nghe một vài người đi lính Tây trở về nói rằng ở phủ Lạng Thương đồng rộng lắm. Mặt trời lên "ngồi nghỉ ở bờ ruộng" khá lâu mới lên tiếp được! Buổi chiều mặt trời cũng phải "ngồi nghỉ ở bờ ruộng" phía Tây một lúc mới đi xuống lỗ (mặt trời lặn).

Với Thái Nguyên thì người Cao Bằng quen lắm. Người Tày Cao Bằng ngày ấy gọi Thái Nguyên là "xử Thải" (xứ Thái). Từ xa xưa, những người Cao Bằng nghèo khổ, không một hòn đất ném chim, một tấc đất cắm dùi, chỉ có một lối thoát là "khảm Thải" (sang Thái). Những tiếng Tày ngày ấy thường có mấy từ quen thuộc vừa hy vọng lấp ló nơi chân trời xa vừa như mang nỗi lo âu sợ hãi. Đó là những từ "sang Thái", "đi Thái", "mừa Thải" (đi về Thái).

Người Tày Cao Bằng có câu ca:

Nên thì nên việc lớn

Không nên thì sang Thái buôn củ nâu!

Các già ở Cao Bằng thường kể đoạn đường về Thái cho con cháu nghe như kể chuyện về một xứ hoang vu rất xa lạ. Từng chuyện, từng chuyện cứ như từng đoạn cảnh của một cuốn phim. Con cháu Cao Bằng cảm thấy "xử Thải" (xứ Thái) và con đường đi về “xử Thải” gần gũi như đã quen thân.

Vì thế bọn chúng tôi quyết định tìm "đường về với Mẹ Chữ" Lương Ngọc Quyến ở "xử Thải".

Con đường đi học thật vất vả, xa xôi. Mấy anh em con cháu Cao Bằng chúng tôi phần lớn đều ở huyện Hòa An, đi về đến Thái khoảng hai trăm năm mươi cây số. Còn bạn Phan Soong ở Hà Quảng và nhất là bạn Phan Văn Hỏn ở huyện Trùng Khánh thì cách Thái Nguyên gần ba trăm cây số hoặc trên ba trăm cây số. Mỗi khi gặp gian nan, vất vả và cả nguy hiểm nữa, mấy anh em chúng tôi đều động viên nhau: chúng ta cần cố gắng cần gan dạ mới về được  với "mẻ sư" (mẹ chữ)[1]. Các "Mẹ chữ" ở Cao Bằng, chúng ta đã học được hết. Nhưng chúng ta lại muốn học chữ nhiều nữa, cao nữa thì phải dũng cảm, phải luyện cái mật cái gan to bằng quả bí mới được! Đấy là lối nói bắt chước các cụ xưa cho vui đoạn đường dài. Thời chúng tôi đã ít nói theo lối cổ này.

Với những gì quý giá và có vẻ như sinh sôi nảy nở được, người Tày chúng tôi đều gọi là "mẻ" (mẹ). Không chỉ có người và động vật, mọi vật đều có thể được gọi là mẹ. Ngày nay, người Tày vẫn nói: "Mẹ đá", "Mẹ nước"…Trường học, nơi "sinh ra cái chữ" cho mọi học trò gom nhặt lấy, người Tày cũng gọi là nhà "Mẹ chữ". Ông thầy nhiều chữ cũng gọi là ông "Mẹ chữ". Vì thế, chúng tôi rong ruổi đường dài trẩy học cũng gọi theo các già xưa nói rằng mình đang đi tìm "Mẹ chữ". Cũng có là để tỏ tấm lòng tha thiết quý yêu chữ nghĩa của lũ chúng tôi…

II

Đi đúng chín ngày thì đến thị xã Thái Nguyên. Tối hôm vừa đến, lũ chúng tôi ngủ ở nhà trọ bình dân. Sáng hôm sau vào Ty Giáo dục hỏi thì biết địa điểm thi tuyển sinh ở nơi trường tản cư,  thuộc một cánh rừng cạnh thị trấn Đu. Chúng tôi lại đi ngược hai mươi cây số đến Đu và hỏi thăm đến địa điểm thi tuyển  sinh vào lớp tám trường phổ thông cấp III Lương Ngọc Quyến. Đi chừng ba cây số thì đến một bản toàn người Nùng. Chúng tôi xin trọ. Cô bác biết là học sinh Cao Bằng thì vui vẻ đón tiếp như đón tiếp khách quý và thân tình như người nhà xa cách lâu năm mới trở về. Vì cả bản này là người Nùng Cao Bằng vừa mới xuống "xử Thải" được vài chục năm.

Hôm sau lũ chúng tôi đi vào rừng xem trường lớp. Ngôi trường gồm hai cái nhà lá. Nghe dân bản bảo đây là hai lớp học của trường Phổ thông cấp III Ngô Quyền (năm sau đổi tên thành Lương Ngọc Quyến) mới làm năm nay. Sang năm thì trường mới về cả đây.

Hai lớp học, hai căn nhà tạm bợ dựng giữa rừng "mạy piao" (một loại nứa mọc dày như mạ). Người ta chỉ phát lối đi nhỏ. Cây "mạy piao" vẫn đổ xuống che kín mít mái lớp. Trên nền lớp có nhiều vắt "gang mình" đo ngang dọc.

Lũ chúng tôi rất phấn khởi, rất tích cực ôn thi. Sau một tuần ôn thi, chỉ còn hai ngày nữa thi thì bỗng có thông báo hoãn thi một tháng! Lũ chúng tôi buồn và lo vô hạn vì tiền nong không đủ ăn một tháng để đợi đến ngày thi. Chúng tôi đành buồn nản và đau khổ lếch thếch rủ nhau cuốc bộ chín ngày đường trở về Cao Bằng. Chưa về đến nhà đã lo đi tiếp….Năm ấy là năm học 1954-1955.

Ngày nay con đường Thái Nguyên - Cao Bằng nườm nượp xe ô tô. Nhưng vào cái năm lũ chúng tôi đi thi để vào cấp III Lương Ngọc Quyến thì không thể có cái xe nào ngược xuôi Cao Bằng - Thái Nguyên được. Họa hoằn lắm mới có một hai chiếc xe quân đội đi theo đường số ba. Còn đường số ba phụ - đường chính ngày nay từ Thái Nguyên lên Cao Bằng, qua Ben Le (đèo Cao Bắc) thì măng vầu, măng nứa mọc giữa đường tua tủa như chông gai của lũ quỷ rừng. Đường nhiều đoạn chui dưới mái đại ngàn âm u. Ánh sáng mờ mờ ảo ảo như men theo bờ vực thẳm của địa ngục!

III

Ngày ấy chúng tôi tuy là học sinh lớp bảy đang đi thi vào lớp tám nhưng đều đã lớn cả. Có người mười chín tuổi, người ít nhất cũng mười bảy. Cho nên chúng tôi đi bộ nhanh lắm. Ngày đầu chúng tôi cuốc bộ được gần năm mươi cây số. Nhưng ngày thứ hai thì đôi chân cả lũ đều sưng vù lên        ! Lê lết mãi cũng chỉ đi được đoạn đường gần hai chục cây mà thôi. May có bạn Phan Soong mang theo một lọ rượu ngâm củ ú tàu - gọi tắt là rượu ú tàu. Có lẽ gia đình bạn Soong thấy con mình yếu ớt, mỏng manh thư sinh nên chuẩn bị phương tiện đi đường chu đáo hơn. Rượu ú tàu bóp chân đau vì đi bộ rất là thiện nghệ. Nhưng khi trở về thì rượu ú tàu đã hết. Tuy ngâm tiếp vẫn dùng được, nhưng không tốt. Ngày thứ hai lượt về, tuy đã quen hơn những cũng chỉ đi được ba mươi cây số. Ngày thứ ba đi được có hai mươi nhăm cây số. Ngày thứ tư trở đi thì lại quen dần, đi nhanh dần…

Ngày đi, đêm gặp nhà, gặp bản thì xin nghỉ nhờ. Tối giữa rừng thì ngủ rừng, ngủ các lều quán dọc đường…âu là chuyện thường.

Phan Hỏn người cao hai mét, nặng tám mươi nhăm ki lô gam, không đi vừa giầy dép bán ngoài chợ. Đôi giày của nhà tự làm lấy, và cả đôi mang theo dự phòng cũng đều rách tan hết. Lượt về chưa được bốn mươi cây số đôi giày thứ hai của bạn Hỏn đã rách. Những ngày đầu anh còn lấy dây, lấy giẻ buộc lại mà đi. Nhưng chỉ được một ngày, đôi giày của anh đã nát như chân con rết! Anh vứt giày đi chân đất. Đi được nửa ngày, chúng tôi tưởng anh bị đau chân. Ai cũng thông cảm, hỏi han, có gì thì chăm sóc! Bạn Hỏn cao lênh kênh mỉm cười mệt mỏi và nói:

- Ày! Có sao đâu mà! Các thằng mày, bỏ giày, đi đất hóa ra lại mát chân và thoải mái hơn đấy.

Tôi là người bỏ dép đầu tiên theo gương bạn Hỏn cao lớn. Rồi đến Đặng Lư cũng đi chân trần. Ba chúng tôi quả thấy thoải mái. Tiếp theo ba chúng tôi thì những người khác cũng đi chân đất. Nhưng chỉ được chục cây số là các chàng công tử kêu đau chân. Bởi các chàng là con nhà khá giả. Sinh ra và lớn lên chỉ biết ăn và học. Bạn Hỏn cao lớn tủm tỉm cười mà rằng:

- Các thằng mày không làm lụng, không đi đất bao giờ bàn chân mỏng. Đi giày vào!

Mấy đưa lại đi dép cao su hoặc dép xăng đan trắng vào. Phan Soong người nhỏ thó, ẻo lả như cô gái. Soong có cái giọng kim của cô gái, lên tiếng một cách đau khổ:

- Chúng mày ơi! Chân tao ai nung nấu chín nhừ cả rồi! - Soong mà nhăn mặt, uốn cặp môi dẻo thì ai cũng cảm thấy như chính mình đau.

Nói vậy thôi,  Soong đúng là một thư sinh trói gà không nổi, nhưng đi đường dài vẫn rất khá.

Hôm nào cũng vậy, cứ gần trưa và chiều chiều thì chúng tôi tự tách nhau ra, không ai nói với ai. Anh nào cũng thất thểu, buồn thiu, câm lặng như những cái bóng vật vờ ruổi trên đường dài. Nhưng khi ăn cơm trưa, chiều, ở quán, ở bụi bờ xong lại tíu tít. Một hôm gần đến Nà Phặc, trời đổ tối, rừng âm u, bản làng thưa thớt, bạn Tập lên tiếng thức tỉnh cả lũ:

- Các thằng mày à! Trời sắp trát chàm vào mắt rồi đấy! Ngủ rừng hay sao à?

Tập là người Kinh duy nhất trong đoàn nhưng lại hay nói tiếng Tày nhất.

Tập có cái trán cao, dô, rất thông minh, mặt vuông mắt sáng. Mỗi khi diễn đạt điều gì quan trọng, Tập cho cả mặt mũi đều cùng nói.

- Ngủ rừng thì ngủ, sợ gì! Trời đang mát, ta cứ đi tiếp. - Lạng lên tiếng. Cái tiếng của anh hơi khô nhưng vang xa. Anh là người đi bộ giỏi nhất, lúc nào cũng dẫn đầu. Bạn Lạng người đen như cái gốc cây cháy dở trên nương.

Đêm hôm đó chúng tôi rủ nhau vào những cái lều của các bà hàng xén ngủ.

Mọi người xoa bóp chân bằng rượu một lúc rồi lăn ra ngủ. Kể thì cũng hơi liều mạng. Nhưng anh bạn Hỏn cao lênh khênh, tôi và Hoảnh là những người tương đối có kinh nghiệm đều nhất trí cho là không sợ. Bởi chúng tôi có cách ngủ đặc biệt. Chúng tôi trải lá hoặc tốt hơn thì rơm rạ, cỏ gianh khô một vùng rộng. Chúng tôi ngủ quay đầu ra ngoài chân đạp vào nhau thành vòng tròn, vẻ giống như một bông hoa nở căng. Bạn Hoảnh nói:

- Chúng ta ngủ như thế này là bắt chước theo đàn trâu ngủ rừng. Các thằng mày có biết không? Lũ trâu hàng trăm con ngủ giữa rừng thì tất cả những con trâu đực, trâu cái khỏe đều ngủ ở vòng ngoài, đầu nghếch ra phía ngoài. Những con trâu nghé, trâu yếu ngủ ở vòng giữa. Vì thế tao mới đề xuất ngủ theo kiểu này đấy.

- Các thằng mày lấy dao nhọn gối dưới đầu rồi hãy ngủ. Chúng ta chẳng sợ gì hết. Tôi và anh bạn Hỏn cũng nói thêm vào.

Mọi người bỗng thấy mình gan dạ hơn, cái mật to hơn. Dù sợ, dù không thì chúng tôi cũng ngủ giấc ngủ nồng nàn trong mê mệt.

Sáng hôm sau tôi dậy ra sau lều đi tiểu tiện. Trời mờ mờ sáng. Tôi bỗng hốt hoảng khựng lại. Sau lều chúng tôi ngủ cách chừng dăm bước có một đống lá tươi phủ một cái xác chết! Biết là xác chết vì tôi nhìn thấy một vũng máu đen ngòm dưới lá. Tôi lắng nghe, xem trong rừng có tiếng chim kêu báo động có hổ gấu hay không. Nhưng chỉ thấy đàn chim hót ca líu lô chào đón bình minh. Tôi đã mấy lần định liều mình vào gần nữa, kéo cành lá ra xem. Nhưng tôi bỗng thấy mình cần phải thận trọng. Tôi quay vào và gọi:

- Các thằng mày dậy hết đi! Có chuyện lạ đây. Nhưng hãy bình tĩnh. - Không hiểu tại sao hôm ấy tôi lại bình tĩnh và thận trọng đến thế.

Phan Soong sốt ruột lên tiếng, bằng cái tiếng của một cô gái có giọng kim:

- Có chuyện gì thì mày nói đi! Làm quái gì mà quan trọng thế. Trời sáng rồi, có phải nửa đêm đâu mà sợ. - Phan Soong nói cứng vậy, nhưng có lẽ bạn là người sợ hơn cả trong lũ chúng tôi.

- Ở đằng sau lều này có một xác chết! Nhưng phủ kín lá tươi. Không rõ là xác con gì! - Tôi nói.

Bế Tâm con người củ mỉ, cù mì, ăn nói rủ rỉ như thầm thì lên tiếng:

- Đêm qua tao nghe thấy tiếng súng nổ. Vào quãng nửa đêm thì phải.

Lạng lên tiếng, dứt khoát:

- Có thể họ thù oán nhau. Họ giết nhau rồi đem vùi xác dưới đống lá cây để đổ tội cho ta đấy!

Hoảnh hất đầu cho mái tóc rễ tre đổ về đằng sau, cười hì hì mà rằng:

- Án mạng với sứ mạng gì! Bò đấy! Đang đói. Xẻo vài cân nướng ăn cho sướng cái miệng và cho êm cái bụng.

- Các thằng mày muốn chết à! Mau mau chạy xa nơi này! - Bạn Hỏn cao lênh khênh tưởng như chạm đến mái lều nói.

Còn bạn Lư là người có vẻ lúc nào cũng suy nghĩ. Lư trầm ngâm quan sát và nói:

- Chẳng phải mạng người đâu. Có thể là con bò hay con nghé gì đó.

Trong khi đó Bằng Tập xăm xăm định chạy vào xem xác chết phủ dưới lá là con gì. Nhưng bạn Hỏn đã kịp hét lên.

- Tập, dừng lại! Nguy hiểm!

Phan Soong cất giọng con gái:

- Có cái dây "quẩn chẻn" (dây tiết dê) hình như do người giằng kéo. Các thằng mày nhìn kỹ xem.

Tôi nói tiếp:

- Đúng đấy, phải thận trọng. Đây là con bò hay con nghé bị hổ vồ. Con vật chắc chắn là vừa mới bị vồ lúc đầu đêm. Họ mắc súng để bẫy hổ đấy các thằng mày à.

- Đã bắc súng bẫy hổ ăn dở mồi thì phải có ba khẩu. - Bạn Hỏn nói.

- Các thằng mày hộ nhau nhìn kỹ nữa đi.

Mọi người nhìn kỹ, nhìn mãi nhưng chỉ thấy hai khẩu súng ở ngoài rừng. Nhưng xem độ bắt chéo của hai khẩu súng thì rõ ràng là có ba khẩu bẫy hổ theo kiểu truyền thống của người Tày.

Tôi xác định ngay:

- Còn một khẩu phải ở trên nóc lều ta ngủ. Các vị trí khẩu súng thứ ba phải ở đấy. Các thằng mày nhìn kỹ đi.

Sau một hồi tìm kiếm mới thấy cái nòng súng thò ra dưới một gắp gianh ở trên nóc lều. Quả là một sự may mắn đến hiếm hoi cho chúng tôi. Có anh đã phải tự gọi hồn mình nhiều lần. Thật là hú vía! Chỉ cần có một người vào kéo một cành cây trên xác con vật thì thế nào cũng có vài ba người "bỏ quên cơm nguội" (chết yểu).

Ngày ấy cướp của giết người là chuyện thường xảy ra trên mọi nẻo đường rừng, tuy không phải là hiện tượng phổ biến. Chúng tôi ngủ bờ ngủ bụi cũng chẳng sao. Vì chúng tôi biết rất rõ bọn cướp của giết người bao giờ cũng dò la thật cụ thể con mồi trước khi hành động. Chúng tôi làm gì có tiền, có hàng đáng để bọn chúng cướp. Chúng tôi chỉ sợ hổ, sợ gấu là chính. Ngoài ra chúng tôi cũng sợ những đàn chó sói đông hàng trăm con kéo nhau đi lúc nhúc từ núi này đến rừng khác. Nếu trong lúc ngủ mà chó sói đột ngột tấn công thì quả là nguy hiểm. Vì chúng tôi không kịp đối phó, nhất là trong đêm tối. Hơn nữa khi đã có máu chảy thì lũ chó sói trở nên hung hăng gấp bội. Chúng không hề biết sợ những cái mà lúc thường chúng vẫn rất sợ.

Chúng tôi có mang theo những cái tù và để khi thấy chó sói thì thổi lên. Tiếng tù và vốn là hiệu lệnh của mọi phường săn. Lũ chó sói nghe được tiếng tù và rúc liên hồi vang lừng sẽ vô cùng hoảng hốt, bỏ chạy tán loạn. Chúng biết sau cái tiếng tu tu liên tục ấy là những tiếng sủa dữ dẵn của đám chó sói vào trận. Chó sói rất sợ chó nhà mà.

Đây là lũ chúng tôi chưa kể đến những rắn độc, trăn to nuốt chửng người như chơi. Lại còn những con rết to bằng mái chèo cắn chết cả hổ...

(Vi Hồng)

 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tóm tắt những ý chính trong phần tiểu dẫn?

2. Xác định bố cục của tác phẩm.

3. Tìm hiểu những nét nghệ thuật miêu tả đậm sắc màu văn hóa Tày trong tác phẩm.

4. Xác định giá trị nội dung của tác phẩm.

LUYỆN TẬP

- Kể tóm tắt tác phẩm theo từng tiểu mục.

- Hãy tìm những câu hỏi, hành động ứng xử, tâm lý mang bản sắc văn hóa của đồng bào miền núi.

- Qua tác phẩm, em rút ra được bài học gì cho mình? Hãy liên hệ với điều kiện và quá trình học tập của em hôm nay?

 

Bài 12: THƠ VỀ NHÀ MÌNH

 

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Nắm được những vấn đề cơ bản về tác giả và bài thơ trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Trân trọng tình cảm của cha mẹ đối với các con và có ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình.

 

Tiểu dẫn

Tác giả:

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh sinh ngày 9 tháng 10 năm 1968, quê quán Nghĩa Hưng, Nam Định nhưng đã có nhiều năm sinh sống tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Hiện Nguyễn Thúy Quỳnh thường trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

       Tốt nghiệp đại học khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc năm 1989, Nguyễn Thúy Quỳnh từng làm giáo viên trường Phổ thông trung học Đại Từ, rồi chuyển sang làm công tác ở Tỉnh Đoàn Thái Nguyên. Đến nay là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh - Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên.

Nguyễn Thúy Quỳnh say mê sáng tác văn học từ rất sớm. Năm 1982, tác phẩm đầu tay của chị đã được đăng trên tạp chí Văn nghệ Bắc Thái. Kể từ năm 2003, công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, Nguyễn Thúy Quỳnh đã thực sự bước vào sáng tác văn học với tư cách một nhà văn, một nhà báo chuyên nghiệp.

Thời gian này, Nguyễn Thúy Quỳnh đã liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng văn học ở Trung ương như giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (tập thơ "Mưa mùa đông"); Giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội; Tạp chí Văn hóa các dân tộc Việt Nam...Cũng trong thời gian này, Nguyễn Thúy Quỳnh đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

"Mưa mùa đông" - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2004 của Nguyễn Thúy Quỳnh là một tác phẩm bước đầu được khẳng định trên văn đàn cả nước.

Tác phẩm:

 "Thơ về nhà mình" rút từ tập thơ "Mưa mùa đông" một tác phẩm khá tiêu biểu về tình cảm gia đình - một trong những đề tài vốn được Nguyễn Thúy Quỳnh khai thác triệt để.

 

                    Nhà mình chỗ nào cũng chật

                    Mùa đông giá rét đỡ lo

                    Nhà mình thứ gì cũng nhỏ

                    Chỉ những tiếng cười là to

 

                    Nhà mình tiền luôn rỗng túi

                    Nợ vay đâu chỉ áo cơm

                    Lòng tốt bao người đem tặng

                    Làm của để đời cho con

 

                    Nhà mình nhiều chuyện buồn lắm

                    Các con là cả nguồn vui

                    Vũ trụ nhà mình bé nhỏ

                    Mà sáng những hai mặt trời

 

                    Nhà mình cái gì cũng khuyết

                    Chỉ niềm hy vọng tròn đầy

                    Mẹ cha dù là khuất núi

                    Con không bao giờ trắng tay

                                                          (Nguyễn Thúy Quỳnh)

 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tìm hiểu bố cục để xác định ý tưởng kết cấu của bài thơ.

2. Đọc hiểu theo kết cấu để làm rõ giá trị nội dung của bài thơ.

LUYỆN TẬP

1. Trong bài thơ, em thích nhất chi tiết nào, hình ảnh nào? Vì sao?

2. Hãy viết một bài thơ hay một đoạn văn với chủ đề "những nỗi buồn và niềm vui trong gia đình em"?

 

Bài 13: ÔNG NGOẠI

(Kính dâng hương hồn ông)

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Có tình yêu thương, trân trọng và ứng xử phù hợp với ông bà, cha mẹ và mọi người thân trong gia đình.

 

Tiểu dẫn:

Tác giả:

- Võ Sa Hà - Hội viên Hội VHNT Thái Nguyên, Hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam, tên thật là Ngô Gia Võ, sinh ngày 27 tháng 10 năm 1959 tại Quảng Uyên, Cao Bằng. Quê gốc Võ Sa Hà ở Yên Phong, Bắc Ninh, nhưng sinh trưởng và gắn bó lâu năm ở miền núi nên có thể coi như ông một con người của núi rừng Việt Bắc. Ông đã từng phục vụ nhiều năm trong quân đội. Hiện là Tiến sĩ Văn học, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Ông đã từng xuất bản nhiều tập thơ, tiêu biểu là các tập: "Sóng nhạc hồn tôi" - 198l; "Ngựa đá" năm 2001; "Cánh chim về núi" năm 2004. Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học của Trung ương và địa phương như giải thưởng Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam…

Tác phẩm:

- "Ông ngoại" là bài thơ rút từ tập "Sóng nhạc hồn tôi", một bài thơ tiêu biểu về bút pháp viết về tâm hồn người miền núi của ông.

***

Con mắt mặt trời

Con mắt mặt trăng

Nhìn vào lưng ông

 

Ông ngồi cúi mặt trong nhà

Bóng ngã xuống tàn tro lạnh lửa

Bà mất rồi, nhóm bếp làm gì nữa

Con cháu tuột khỏi làng, rơi vãi tận đẩu đâu.

 

Đôi tay vật ngã trâu

Giờ nằm im trong bọc

Tập võ cả đời người

Bà đi, đành bất lực.

 

Trơ lại một thân già

Im lìm còng vóc núi

Bài ca thời đi hội

Chỉ còn ông giữ thôi

 

Chum rượu xưa bà chôn

Ông bới lên vục bát

Rung cột nhà ông hát

Ầm ù lời đá rơi

 

Đá cũng nhão ra rồi

Trăng sắc hơn lưỡi hái

Chum rượu trơ vỏ lại

Hố bụng vẫn còn vơi

 

Ông ngồi ôm vỏ chum

Thầm thào lời đêm giá

Một con muỗi bay qua

Ông giật mình chum vỡ

Tàn tro tung trắng xóa

Hắt sáng bóng ông tôi

 

Con mắt mặt trời

Con mắt mặt trăng

Nhìn vào lưng ông

                                                   (1994 - Võ Sa Hà)


HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tóm tắt những ý chính trong phần tiểu dẫn? Nhắc lại nhận định về cá tính sáng tạo độc đáo của thơ Võ Sa Hà?

2. Bài thơ không chia đoạn. Từ ngữ 3 câu đầu và 3 câu kết được trùng điệp để diễn tả sự vận động của thời gian với vòng quay ngày - đêm liên tục, các khổ thơ chỉ khắc họa hình tượng "ông ngoại" với các tư thế và tâm trạng khác nhau. Hãy tìm hiểu bài thơ theo gợi ý đó.

LUYỆN TẬP

Hãy viết một truyện ngắn, một bài thơ hay một bài văn về ông bà của mình.

 

Đọc thêm:

THOÁNG MƯA LÀNG CẠN

Tiểu dẫn:

Tác giả

 Sinh ngày 18 tháng 4 năm 1938, tại xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Hà Đức Toàn là một trong số rất ít các nhà văn sinh ra ở Thái Nguyên. Sau những năm tháng dạy học ở Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, ông trở về với ngành giáo dục Việt Bắc, rồi Bắc Thái. Từng làm Trưởng phòng Giáo dục, Phó Chủ tịch huyện Đại Từ. Năm 1987, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên thành lập, Hà Đức Toàn làm Chủ tịch Hội khóa I, khóa II. Nghỉ hưu năm 1998.

 Thời kì đầu, Hà Đức Toàn sáng tác thơ là chính. Sau ngày được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, ông chuyển sang viết tiểu thuyết và có những thành tựu trong thể loại này. Hà Đức Toàn đã xuất bản 15 cuốn sách, nhận nhiều giải thưởng ở Trung ương và địa phương. Những tập sách đáng chú ý của ông là: "Ngôi nhà của thượng úy về hưu" (kí) - Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái xuất bản năm 1990; "Ly rượu mắt mình" (thơ) Nhà xuất bản Văn học năm 1996; "Ba ông đầu rau" (tiểu thuyết) Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, tác phẩm đoạt giải về lực lượng vũ trang năm 1998…

Bài thơ:

 Bài thơ "Thoáng mưa làng Cạn" rút trong tập "Tuyển tập thơ Bắc Thái" xuất bản năm 1995, một tác phẩm mang vẻ giản dị mà đậm nét trữ tình - một đặc điểm thường thấy trong thơ Hà Đức Toàn.

***

Làng Cạn thế mà mưa

Trời hay đùa thật đấy

Thoáng lại ửng lên rồi

Sao chưa thôi run rẩy?

 

Trời chợt mưa chợt nắng

Ta chợt đến chợt đi

Bước chân như đùa vậy

Xin đừng yêu làm gì!

 

Cũng như mưa bóng mây

Nỡ làm ai ướt áo

Xin hãy đừng thơ ngây

Tưởng vừa qua giông bão.

                                                         (Hà Đức Toàn)

 

Bài 14: CHỮA LỖI DIỄN ĐẠT CHO HỌC SINH

ĐỊA PHƯƠNG (DÂN TỘC ÍT NGƯỜI)

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Biết xác định và sửa các lỗi diễn đạt thường gặp. Có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

 

1. Học sinh viết ở nhà một đoạn văn theo chủ đề định trước: gia đình, kỷ niệm về thầy cô giáo…

2. Đến lớp trình bày và cùng giáo viên chữa lỗi diễn đạt trong bài viết.

3. Học sinh viết rồi đọc một đoạn văn (hoặc trình bày một vấn đề) theo chủ đề định sẵn. Giáo viên chữa lỗi diễn đạt trực tiếp cho học sinh.

4. Chỉ ra các lỗi diễn đạt thường mắc: nói ngọng, câu sai, diễn đạt tối nghĩa….

 

Bài 15: TÌM HIỂU YẾU TỐ BIỂU CẢM

TRONG VĂN XUÔI VÀ THƠ ĐỊA PHƯƠNG

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu rõ về vai trò và tác dụng của các yếu tố biểu cảm được sử dụng trong văn xuôi và thơ Thái Nguyên.

 

1. Yếu tố biểu cảm là gì ? (Gợi ý: Các phương tiện ngôn ngữ có khả năng biểu hiện sinh động, chân thực, điển hình các trạng thái cảm xúc, tình cảm của nhân vật văn học và của tác giả văn học. Các phương tiện ngôn ngữ: từ, câu, hình ảnh, hình tượng, nhạc điệu…)

2. Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong thơ địa phương:

a. Bài "Quên và Nhớ" (Nguyễn Đức Hạnh)

Quên và Nhớ

Nước mắt chảy tháng năm hun hút giếng

Bao bà mẹ cúi đầu soi bóng xuống khổ đau

Hàng vạn đứa con trở mình trong đất lạnh

Nửa thế kỷ tìm con run chân mẹ qua cầu

Dẫu gió lãng quên thổi dọc đường lịch sử

Những nấm mộ vô danh vẫn làm vấp chân người

Dẫu với ai chuyện đạn bom đã trở thành cổ tích

Ngày giỗ con nào nước mắt mẹ chẳng rơi

 

Hương trầm thơm quẩn vào lòng đất

Nước mắt trong veo không tính nổi giá thành

Một nghìn lần nói những lời tiếc thương

Xin một lần ghé vào mái nhà lợp rạ

Ngắm mẹ ta gầy lập cập giữa chông chênh!

 

b. Bài “Mẹ” (Hiền Mặc Chất).

 

Mẹ

Mẹ gầy guộc như chiếc liềm cắt lúa

Cắt cả đời chưa đủ nuôi con

Khi mòn vẹt chỉ bằng chiếc lá

Con chưa kịp lớn khôn chiếc lá không còn

 

3. Yếu tố biểu cảm trong văn xuôi địa phương:

- Truyện ký "Đường về với Mẹ Chữ" (Vi Hồng).

- Một tác phẩm bất kỳ được giáo viên chuẩn bị.

 

 

 

 

 

LỚP 9

Bài 16: CÂY TRỨNG GÀ BẤT TỬ

(Truyện ngắn)

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa của tác phẩm. Trân trọng những tình cảm truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.

 

Tiểu dẫn:

Tác giả

Nhà văn Hồ Thủy Giang tên thật là Đào Việt Hải, sinh ngày 20 tháng 6 năm 1947, quê quán quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Từ những năm đầu của thập niên 60 (thế kỷ trước) ông đã sinh sống, học tập ở thành phố Thái Nguyên, rồi sau đó dạy học nhiều năm ở huyện Đại Từ. Từ năm 1981 đến năm 2004 Hồ Thủy Giang trở về công tác tại thành phố Thái Nguyên, từng kinh qua các chức trách: Biên tập viên văn học, Phó phòng Xuất bản Sở Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Văn học  Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay ông là Ủy viên Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Hồ Thủy Giang viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận phê bình, thơ, kịch bản phim truyện… Đã xuất bản 17 tập sách riêng, được nhận nhiều giải thưởng văn học ở Trung ương như: Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam (Tập truyện "Ảo ảnh"), Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (Truyện ngắn "Cô Bánh Xích"), Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Truyện ngắn "Những trang bản thảo" và "Bông hoa cô đơn"), Bộ Văn hóa thông tin (Kịch bản phim truyện "Tình xứ mây")… Cùng viết chung với Vi Hồng, ông có một số tác phẩm được tuyển chọn vào sách giáo khoa tiểu học.

Tác phẩm:

- "Cây trứng gà bất tử" rút từ tập "Mùa gió heo may" Nhà xuất bản Lao động - 2005 là một truyện ngắn đoạt giải thưởng viết về thanh niên và học sinh do Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục đồng tổ chức. Dung dị, nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, gợi mở những triết lý nhân sinh là một trong những đặc điểm của truyện ngắn Hồ Thủy Giang. "Cây trứng gà bất tử" chính là một tác phẩm mang những dấu ấn như vậy.

***

Gia đình tôi có ba người. Mẹ, em Bình và tôi. Bố tôi mất từ ngày em Bình còn nằm trong nôi. Chúng tôi gắn bó yêu thương nhau đến nỗi, dù rất nhiều người đã biết tôi chỉ là con nuôi nhưng đến giờ thì dường như họ không còn muốn tin vào điều ấy nữa.

Vâng! Tôi đúng là con gái nuôi của mẹ. Tôi được nghe kể lại tôi là đứa trẻ bị bỏ rơi ở nhà hộ sinh đã được mẹ ẵm về nuôi dưỡng cho đến tận bây giờ.

Ngôi nhà cũ kỹ của chúng tôi nằm ở một góc phố nhỏ. Phía sau nhà có một mảnh vườn hẹp. Khi lớn lên tôi đã thấy trong vườn có cây trứng gà xanh tốt.

Hàng năm, cứ chớm đông, hoa trứng gà lại nở rộ và sau đó trĩu trịt những chùm quả vàng rộm. Cây ra hoa kết trái vào mùa đông nhưng sắc màu lại tươi như nắng hạ. Trong cái rét căm căm của tiết đông, tâm hồn của ba mẹ con tôi luôn được sưởi ấm.

Đối với tôi, cây trứng gà còn giống như một chứng nhân trong cuộc sống của gia đình và của cái khối phố nhỏ bé này.

Khi đến cái tuổi có thể theo mẹ ra vườn thu hoạch quả trứng gà, tôi sốt sắng nói với mẹ:

- Để con mang ra chợ bán cũng được ối tiền đấy mẹ ạ!

Mẹ tôi khẽ khàng:

- Thôi con ạ. Con lấy rổ ra nhặt những quả to nhất mang sang biếu bác Toàn. Hồi còn là chủ ngôi nhà này, chính tay bác Toàn trồng cây trứng gà này đấy. Con cũng chọn lấy chục quả đặt lên bàn thờ bố. Còn lại, con đem chia đều cho cả xóm.

Tôi làm theo lời mẹ, lòng rưng rưng cảm động. Mẹ tôi là thế. Bao giờ mẹ cũng nghĩ đến người khác. Mẹ thường nói với chúng tôi: "Trong bốn phép tính mà mẹ dạy cho học sinh, phép tính nào cũng cần thiết cả, nhưng phép tính chia là khó nhất. Trong những học trò cũ của mẹ, hồi đi học có người rất giỏi toán nhưng lớn lên họ vẫn không làm nổi phép tính chia thông thường". Mẹ thường nhẹ nhàng và đầy ẩn ý dạy dỗ chúng tôi những bài học làm người.

Chính tôi chứ không phải ai khác, nếu không có phép tính chia của mẹ, chia khổ đau, chia bất hạnh, chia miếng cơm manh áo, chia cả sự cảm thông với người đã sinh ra tôi, thì tôi đâu có được như ngày hôm nay.

Mẹ đã dạy tôi và em Bình phép tính chia bắt đầu từ cây trứng gà như thế.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi mùa trứng gà vàng ruộm, tôi và em Bình lại hò nhau hái quả, rồi chia ra làm ba phần: Phần biếu bác Toàn, phần đặt bàn thờ bố và phần chia cả xóm.

Mẹ nói đúng quá, chỉ là những quả trứng gà nhỏ bé, bình thường vậy thôi mà hình như cái ngõ nhỏ nhà chúng tôi gắn bó với nhau hơn. Đặc biệt là lũ trẻ, suốt ngày í ới gọi "chị Thanh, anh Bình ơi".

Chúng tôi nghèo nhưng sống thật vui. Cả nhà chỉ trông vào đồng lương giáo viên cấp một của mẹ. Khi lĩnh lương, mẹ thường chia ra phần: mua gạo, mua thức ăn hàng ngày, tiền điện, tiền đóng học và chi phí lặt vặt khác. Mẹ bảo làm như vậy không phải là chi li tính toán mà giúp cho mình biết chi tiêu trong phạm vi mình có. Nếu không, chính sự thiếu hụt dẫn đến sự mất cả danh dự và tình cảm. Tôi thấu hiểu những điều mẹ nói. Bởi tôi cũng từng chứng kiến bao kẻ chỉ vì không biết làm phép tính chia như mẹ đã phải chịu cảnh tù tội, tan đàn xẻ nghé.

Trong các khoản phân chia đồng lương ít ỏi của mẹ, có một khoản đã làm cho tôi vô cùng xúc động. Đó là số tiền mẹ dành ra để làm quà biếu khá thường xuyên người thầy giáo từ hồi học cấp một của mẹ. Thầy giáo giờ đã già, lại không con cái. Thầy rất ít nhận những món quà vật chất nhưng mẹ lại luôn biết cách làm thầy cảm động trước tấm lòng chân thành của mẹ. Trong những lần viếng thăm thầy, tôi để ý ngày mồng hai tháng mười hai là một ngày không rơi vào ngày kỉ niệm, lễ tết hoặc sinh nhật, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày ấy mẹ không bao giờ quên mang hoa và quà đến tặng thầy. Rồi có lần mẹ kể với chúng tôi: Năm mẹ học lớp ba trường làng, hôm đó trời rét lắm nhưng mẹ chỉ mặc hai chiếc áo vá. Nhà ông bà ngoại cũng rất nghèo, không lo cho mẹ hơn được. Ngồi trong lớp mà hai hàm răng cứ đánh vào nhau cầm cập. Hôm sau, thầy mang tới lớp một chiếc áo bông mới, lặng lẽ khoác lên người mẹ. Thầy chỉ nói một câu duy nhất "Em mặc vào cho khỏi lạnh". Lúc ấy mẹ đã bật khóc. Mãi về sau mẹ mới biết thầy đã phải bỏ cả tháng lương để mua chiếc áo bông cho mẹ. Ngày ấy là ngày mồng hai tháng mười hai, một ngày bình thường như những ngày khác nhưng đối với mẹ đã trở thành một ngày lễ hiến chương các nhà giáo của riêng mình. Chính thầy là người dạy cho mẹ phép tính chia đầu tiên.

Cuộc đời của gia đình tôi cứ trôi qua một cách êm ả như vậy. Nhưng nào ngờ, đến cuối năm mẹ mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Chỉ sau nửa tháng nằm liệt giường, mẹ đã mất. Phút lâm chung, mẹ cứ nắm chặt lấy tay của hai chị em tôi không muốn rời. Hình như mẹ không muốn chết khi nhìn thấy hai chị em tôi chưa trưởng thành. Khi ấy tôi mới vào năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm còn em Bình đang học lớp mười một. Lúc ấy, tôi phải gắng gượng nén đau đớn để hứa với mẹ bằng bất cứ giá nào tôi và em Bình cũng phải học xong đại học để thực hiện nguyện ước của mẹ. Mẹ ngấn nước mắt bảo rằng ở nơi suối vàng mẹ vẫn luôn chia sẻ buồn vui với chị em tôi.

Đám tang mẹ dài hàng cây số. Không ít người nức nở. Quả như một nhà toán học nào đã nói: "Chính phép tính chia chứ không phải phép tính cộng hoặc phép tính nhân đã làm cho con người ta trở nên vĩ đại".

Ngày giỗ đầu mẹ, tôi thắp hương khấn xin mẹ cho bán ngôi nhà mà gia đình chúng tôi đã từng sống trong những ngày tươi đẹp nhất. Tôi đã đau thắt ruột khi buộc phải thực hiện việc này. Nhưng trong hoàn cảnh hiện giờ, chúng tôi không có cách nào khác. Dẫu sao đó cũng là gia tài mẹ để lại giúp chúng tôi bước tiếp trong cuộc đời.

Bớt ra một phần ba số tiền để mua một ngôi nhà bỏ lùi vào trong xóm, số còn lại tôi gửi cả vào ngân hàng lấy tiền lãi cho việc học hành, sinh sống của hai chị em.

Sau khi bán nhà được ít lâu, một lần đi qua cái chợ xép ở đầu phố, tôi thấy một cô bé chừng mười lăm, mười sáu tuổi ngồi bán trái cây trứng gà. Không hiểu bằng linh cảm nào mà tôi nhận ra ngay đó chính là trái cây trứng gà của nhà chúng tôi hồi trước. Tôi lại gần hỏi mới biết đó là cô bé giúp việc của bà chủ mới của ngôi nhà chị em tôi vừa bán. Cô bé đon đả mời tôi mua và kể lại:

- Chị ạ! Bà chủ nhà làm nghề kinh doanh cầm đồ và cho vay nặng lãi nên tính toán kỹ lắm. Bà ấy giao cho em cây trứng gà, đến vụ thì đem bán và bảo đó là suất lương một tháng của em. Nếu cây trứng gà chết hoặc không bán được thì tháng đó em không có lương.

Cả ngày hôm ấy tôi cứ buồn mãi vì cái chuyện nhỏ ấy. Người buôn bán chỉ biết làm một phép tính cộng như vậy hay sao? Nhưng thời buổi kinh tế thị trường này cũng không thể trách họ được. Tôi chỉ buồn vì trong ngôi nhà xưa của chúng tôi phép tính chia của mẹ không còn được thực hiện nữa. Cây trứng gà chắc cũng sẽ buồn như tôi.

Hôm sau, tôi quyết định trở lại chợ xép mua hết rổ trứng gà và dặn cô bé hằng năm đến vụ thu hoạch cứ mang ra để tôi mua tất cả.

Chị em tôi đem rổ trứng gà về và lại được làm một phép tính chia như ngày trước: Biếu bác Toàn, đặt lên bàn thờ bố mẹ và chia cho cả xóm. Làm được như vậy dẫu sao tâm hồn tôi cũng được yên tĩnh phần nào. Ở suối vàng hẳn mẹ cũng vui.

Năm sau, em Bình đoạt giải thi toán quốc gia và được đi du học ở Mỹ.

Hôm tiễn em ra sân bay, tôi chỉ dặn em mấy câu ngắn gọn: "Dù sau này em có trở thành Tiến sĩ Toán học đi nữa thì em cũng không bao giờ được quên phép tính chia của mẹ. Phép tính chia giản đơn vậy thôi nhưng mẹ đã suy ngẫm cả đời mới có được".

Đã thành thói quen, hằng năm cứ tới thời vụ trứng gà là tôi lại ra chợ xép đón mua hết số quả trứng gà cho cô bé giúp việc nhà chủ hiệu cầm đồ. Vậy mà năm nay, tôi gặp cô bé đứng trơ ở góc chợ, không thấy một quả trứng gà nào cả. Nhìn thấy tôi, cô bé giọng hốt hoảng:

- Chị ơi ! Sợ quá! Con trai bà chủ nghiện ma túy, ban đêm lẻn về nhà đâm chết mẹ, lấy hết tiền trốn đi rồi. Ông chủ thì bồ bịch rất hiếm khi về nhà. Hôm nay em về quê chị ạ. Em ra đây để chào chị.

Tôi cũng rùng mình, hỏi cô bé:

- Thế trứng gà đâu cả rồi ?

Cô bé ngậm ngùi như có lỗi:

- Cây trứng gà chết rồi chị ạ. Em chăm bón nó cẩn thận lắm mà không hiểu sao nó vẫn chết.

Tôi choáng người, ngồi thụp xuống đất. Cây trứng gà chỉ là loại thảo mộc nhưng những năm tháng qua nó như đã trở thành một sinh linh, một thành viên yêu dấu trong cái gia đình bé nhỏ của chúng tôi. Đối với chúng tôi nó cũng thân thương và luyến nhớ như một con người. Tôi hiểu rằng cây trứng gà chết không phải do thiếu sự chăm bón mà chết vì buồn và ngột ngạt.

Cô bé nọ nhìn những giọt nước mắt trên má tôi, không khỏi ngạc nhiên.

Đêm hôm ấy, tôi viết cho em Bình một lá thư. Khi thông báo cho em tin buồn về cây trứng gà, tôi tâm sự: "Bình ơi, cây trứng gà của gia đình mình không còn nữa. Nhưng không phải nó chết đâu mà nó đã theo mẹ về trời đấy em ạ. Chị muốn nói với em, ở nơi xứ người, em phải luôn nhớ một điều, trong tâm linh của mỗi chúng ta vẫn vĩnh viễn tồn sinh một cây trứng gà tươi tốt, cứ tới mùa đông lại vượt lên giá rét để ra hoa kết trái.    Nó là cây trứng gà bất tử".

                                       (Hồ Thủy Giang)

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Hãy tóm tắt ý chính trong phần tiểu dẫn và xác định bố cục của tác phẩm.

2. Tìm hiểu cốt truyện, nhân vật và tình huống truyện.

3. Em hãy bàn luận về "phép tính chia" mà tác giả nêu trong tác phẩm.

4. Đến cuối truyện thì nhân vật bà mẹ và cây trứng gà đều không còn, em suy nghĩ gì về sự "ra đi" ấy.

 

LUYỆN TẬP

- Ý nghĩa của hình tượng cây trứng gà trong tác phẩm?

- Thử viết một truyện về tình cảm gia đình.

 

 

Đọc thêm:

MÍA VÙNG CAO

                                                               (Trích truyện ngắn)

Tiểu dẫn:

Tác giả

- Bùi Thị Như Lan nằm trong danh sách rất ít Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là phụ nữ người dân tộc thiểu số. Sinh ngày 30 tháng 12 năm 1967, chớm vào độ tuổi 50 nhưng thành tựu văn chương của Bùi Thị Như Lan đã khá dày dặn với 4 tập truyện ngắn ("Tiếng chim kỉ giàng", Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - 2004; "Mùa hoa mắc mật" Nhà xuất bản Thanh niên – 2004; "Hoa mía", Nhà xuất bản Thanh niên - 2006; "Lời sli vắt ngang núi", Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân – 2007) và 4 giải thưởng văn học ở Trung ương.

- Sinh ra trên vùng đất huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn có truyền thống văn hóa dân gian phong phú, có không gian khoáng đạt và lãng mạn của miền núi cao, tất cả dường như đã xuyên thấm và ảnh hưởng sâu sắc đến bút pháp của Bùi Thị Như Lan, tạo cho chị một lối viết riêng về miền núi.

Tác phẩm:

"Mía vùng cao" do nhóm biên soạn đặt tên, là một trích đoạn trong truyện ngắn "Hoa mía". Có thể nhận thấy đây là một truyện ngắn đại diện cho lối viết vừa truyền thống vừa hiện đại của nhà văn.

***

Dải đất trồng mía quê ông rộng lắm. Mía nhà nọ nối tiếp mía nhà kia, như lớp thảm xanh màu diệp lục dài ngút ngát bơi từ dưới bờ sông Nậm Thoong đi qua bìa rừng rồi trườn lên miền núi. Đất quê ông phì nhiêu, mùa mưa cơn lũ tràn về cõng mùn từ núi xuống, dâng phù sa dưới lòng Nậm Thoong lên, trồng mía lớn nhanh như thổi. Người bản ông vùi nhọn mía xuống. Một đêm, hai đêm sương đi qua, những mầm mía bé xíu rụt rè đội đất ngoi lên. Từ trong thẳm sâu, cột rễ âm thầm len lỏi qua từng lớp đất, chắt chiu giọt sữa tinh túy cho cây sức bình sinh xòe lá, bừng bừng trỗi dậy. Cứ thế, cây lớn lên bằng đứa trẻ hai tuổi mới được vun luống. Trồng nhiều mía, chẳng ai ngắm được, cái tay quen rồi vẫn thẳng hàng, đều tăm tắp như chăng sợi chỉ. Những cây mía mập mạp tròn lẳn, từng gióng, từng gióng đều nhau mà vẫn đủ ánh sáng ấm áp của mặt trời rọi xuống dưới gốc, cho bạt ngàn cây nhân trần bé bỏng xòe chùm hoa tím, những ngọn bí đao nhân hậu chậm chạp bò tràn lan dưới mặt đất phủ đầy phấn hoa vàng…. Lác đác đây đó, giữa những cây "pò mạy", bụi lá quẫy um tùm để lũ trẻ chăn ngựa, chăn dê ăn thỏa thích.

Đến khi mía cao hơn đầu người, lá lòa xoà đan xen rậm rạp rủ bầy chim sẻ cánh nâu óng ả, chim cu cườm lông vàng trắng đỏm dáng về xây tổ là đến lúc thay áo mới cho mía. Những bẹ lá dài bàng bạc ngả màu bóc đi cây mía mới cho nhiều mật ngọt.

Mùa bóc lá, người bản ra bãi mía từ lúc thung lũng còn thở ra biển sương mù dầy đặc. Nghe tiếng cười nói lao xao, tiếng bước chân ràn rạt đạp lên lá khô mải miết, mới biết có người đi phía trước, phía sau. Đến lúc mặt trời đủng đỉnh vươn ra sau dãy Phja Khao răng cưa là lúc bãi mía râm ran tiếng trêu nhau ơi ới của đám thanh niên. Trai gái tụ tập nhau đi làm đổi công, làm hết nhà mình đi làm hộ nhà người bản. Làm để còn được ngắm nhau, được thủ thỉ nói cho nhau những điều thầm kín…. Thế nên, chẳng mấy chốc, cả vạt mía rộng được bóc ra một lớp áo cũ, bỗng lộ ra những đốt mía tròn trĩnh, vàng óng như bắp tay con gái tuổi dậy thì.

                                                  (Bùi Thị Như Lan)


 

Bài 17: TÌNH SÔNG

 

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được những giá trị nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ. Có tình yêu và lòng tự hào dành cho quê hương.

 

Tiểu dẫn:

Tác giả

- Ba Luận tên thật là Nguyễn Thành Luận, sinh tháng 01 năm 1948, quê quán tỉnh Hưng Yên. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp khoa Địa lí Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được phân công công tác tại Thái Nguyên. Từ đó, ông coi Thái Nguyên như một quê hương thứ hai. Ba Luận từng là Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Thái (cũ) và Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên. Hiện ông đã nghỉ hưu tại Thái Nguyên.

Ba Luận sáng tác nhiều thể loại nhưng chủ yếu là thơ. Đã xuất bản 6 tập sách riêng và được nhận nhiều giải thưởng văn học. Đặc biệt, thơ Ba Luận được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và phổ biến rộng rãi trong công chúng.

Tác phẩm:

- Bài thơ "Tình sông" rút trong tập "Chảy giữa mùa xuân" - Nhà xuất bản Văn học năm 2000 là một tác phẩm được tác giả gửi gắm nhiều tình cảm sâu sắc và mãnh liệt đối với miền quê Thái Nguyên mà ông đã gắn bó gần trọn cuộc đời.

***

TÌNH SÔNG

Bắt đầu là con suối

Vòng vo suốt cuộc đời

Qua bao nhiêu vùng đất

Trải bấy nhiêu buồn vui

 

Dòng sông Cầu êm trôi

Giữa hương chè hương lúa

Sông Cầu như dải lụa

Ôm Thái Nguyên vào lòng

 

Thành phố nằm bên sông

Suốt một đời để nhớ

Hương chè xanh duyên nợ

Với Thái Nguyên ngàn đời

 

Như tình yêu không lời

Sông mãi ôm thành phố

Vẫn xanh mềm dải lụa

Cho thép hồng sinh sôi

 

Đau thắt bên bờ lở

Dịu êm bên bờ bồi

Sông một mình ở giữa

Thương bên nào sông ơi!

                                                 (Ba Luận)

 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tìm hiểu hình tượng trung tâm của bài thơ.

2. Những đặc sắc nghệ thuật và giá trị nội dung của bài thơ.

LUYỆN TẬP

Em hãy viết một đoạn văn, một bài thơ về vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương Thái Nguyên.

 

Đọc thêm

CẮT HỒ MAY ÁO

Tiểu dẫn:

Tác giả:

Trần Thị Vân Trung tên thật là Trần Thị Việt Trung, sinh ngày 02 tháng 07 năm 1956, quê quán Xóm Làng Đông, Đồng Bẩm, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà là PGS-TS, từng công tác tại Đại học Thái Nguyên. Đã nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu và có nhiều thành công trong lĩnh vực này nhưng Trần Thị Vân Trung vẫn luôn chăm chú vào công việc sáng tác thơ. Ngoài các cuốn sách về nghiên cứu, phê bình văn học, Trần Thị Vân Trung đã xuất bản 3 tập thơ: "Xin đừng té nước vào em" năm 1989; "Sao đôi xa xăm" (in chung với Hà Đức Toàn năm 1991); "Khoảng cách cuối cùng”, năm 1999. Các tập thơ của Trần Thị Vân Trung luôn chiếm được cảm tình của độc giả.

Tác phẩm:

Bài thơ "Cắt hồ may áo" rút từ tập "Khoảng cách cuối cùng" là một trong những bài thơ hay viết về Hồ Núi Cốc, một điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Nguyên.

***

Sau trận mưa dài ẩm ướt

Trời vén màn mây lên cao

Ơ kìa ! Dáng nàng sơn nữ

Khỏa thân thiêm thiếp mơ màng.

Vẳng nghe sáo chàng Cốc gọi

Cánh cò - vệt kéo xén ngang

Mặt hồ trải tấm lụa mỏng

Cắt may xiêm áo dâng nàng!

(Hồ Núi Cốc, hè 1993, Trần Thị Vân Trung)

 

 

Bài 18: HOA SỚM

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được ý nghĩa, nội dung và nghệ thuật. Có tình yêu thương con người, yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.

 

Tiểu dẫn:

Tác giả:

Ma Trường Nguyên, nhà văn dân tộc Tày, sinh ngày 17 tháng 5 năm 1944, quê quán xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Những năm chống Mỹ, Ma Trường Nguyên từng nhiều năm làm phóng viên mặt trận. Năm 1971 ông biên tập thơ cho Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Từ năm 1982 đến năm 2003 ông đã từng đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng phòng Xuất bản - Sở Văn hóa Thông tin, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật - Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên.

Ma Trường Nguyên là một trong số không nhiều các nhà văn viết khá đều tay, ở nhiều thể loại. Trong vòng 40 năm cầm bút ông đã xuất bản 5 tập thơ, 8 cuốn tiểu thuyết, truyện vừa, truyện thiếu nhi… Tiểu thuyết "Rễ người dài" của ông đã đoạt giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1996. Tuy vậy, người đọc vẫn thường nhớ đến Ma Trường Nguyên với tư cách là một nhà thơ. Và có lẽ, những bài thơ làm bạn đọc khó quên nhất là những bài thơ mang âm hưởng của tâm hồn Tày quê hương ông.

Tác phẩm:

"Hoa sớm" là bài thơ rút trong tập thơ "Trái tim không ngủ" xuất bản năm 1987, một bài thơ bình dị mà thiết tha, nồng nàn mà kín đáo.  Đó cũng là đặc trưng trong lối viết về miền núi của Ma Trường Nguyên.

***

Có loài hoa trắng trong

Nhụy vàng thơm từ tốn

Tự nở giữa mùa đông

Không chờ xuân đến đón

 

Dịu dàng chen trong tán

Không phô sắc khoe hương

Lầm tưởng là hoa muộn

Bị quên trong đời thường

 

Xua lạnh cánh nở tung

Mặc sương sa níu giữ

Hoa nở hoa cứ nở

Sáng lóa khắp sườn đồi

 

Mọi loại hoa lẩn rồi

Ẩn vào thân cây núp

Con ong lỳ tổ sáp

Cánh bướm rủ trong vườn.

 

Dẫu phải ngậm giọt sương

Không chờ hoe nắng ấm

Hoa nở bung cánh trắng

Vẫn gọi mùa xuân về

 

Biết nở trước bạn bè

Nhận về mình giá buốt

Bông hoa chè tinh khiết

Mở cửa mùa hoa thơm

(Nông trường Quân Chu, 1985, Ma Trường Nguyên)

 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tóm tắt ý chính về tác giả, tác phẩm.

2. Tác giả muốn ngầm so sánh (ẩn dụ) hình ảnh hoa chè với những phẩm chất cao quý của con người. Em hãy nêu những hình ảnh (hoặc từ ngữ) mà em thích nói về điều này.

3. Những nét nghệ thuật nổi bật của bài thơ là gì?

4. Ý nghĩa triết lý của bài thơ.

LUYỆN TẬP

1. Theo em, lối miêu tả đặc sắc nhất của tác giả về hoa chè là gì ?

2. Hãy thử viết một bài thơ về một loài hoa mà em thích.

 

 

Bài 19: PHỐ NÚI

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu được ý nghĩa, nội dung và nghệ thuật. Có tình yêu thương con người, yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.

 

Tiểu dẫn:

Tác giả:

Sinh năm 1962, quê gốc ở Hưng Yên nhưng Nguyễn Đức Hạnh sinh trưởng và am hiểu sâu sắc vùng đất Thái Nguyên. Hiện ông là Tiến sĩ Ngữ văn, từng Phó chủ nhiệm Khoa Đào tạo Giáo viên THCS của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Hiện ông là Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, Phân hội phó Phân hội Thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên.

Là một người yêu văn học từ khi rất trẻ, niềm đam mê ấy ở ông không bao giờ vơi cạn. Hiện nay dù công tác quản lý và giảng dạy khá bận rộn nhưng Nguyễn Đức Hạnh chưa bao giờ xa rời sáng tác. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng thơ. Tuy vậy, Nguyễn Đức Hạnh là người luôn thận trọng và kỹ lưỡng trong công bố tác phẩm. Đến nay, ông đã xuất bản 2 tập thơ: "Núi khát" năm 2000, "Vết thời gian"  năm 2004 và công trình nghiên cứu văn học "Tiểu thuyết Việt Nam thời 1965-1975 nhìn từ góc độ thể loại" (NGD-H-2007). Thơ Nguyễn Đức Hạnh nghiêng về truyền thống và thường tạo ra những vẻ đẹp của tu từ. Thành tựu nghiên cứu và sáng tác văn học của Nguyễn Đức Hạnh còn ở phía trước.

Tác phẩm:

Bài thơ "Phố núi" rút trong tập "Núi khát" (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn năm 2000) là một trong những tác phẩm thành công của Nguyễn Đức Hạnh trong loạt bài viết về những ký ức, những kỉ niệm, cũng là bài thơ khá tiêu biểu cho lối diễn đạt trong sáng, giàu biểu cảm thường thấy ở ông.

***

 

Phố nhỏ ngủ gối đầu lên ngực gió

Nhà xiêu xiêu chực tuột về xuôi

Cây đa già rợp che ký ức

Quả lạnh lùng cùng tháng năm rơi.

 

Lá tre chòng nhau cười khẽ

Bước trẻ học về vấp lụa hoàng hôn

Bã mía cháy ngọt nồng câu thơ cũ

Đã vùi sâu chợt ai đốt trong hồn !

 

Những cơn mưa tuổi thơ ngọt lịm

Ru hoa mua ngủ bên đường

Thả cánh tím xuống dòng kênh biếc

Mơ ước chòng chành trôi vào mù sương.

 

Ta cùng tiếng đàn bầu qua phố vắng

Bò run run trên ẩm mốc mái nhà

Chợt tiếng đàn tuột tay ngã xuống

Rủ lòng thòng hóa đám rễ đa!

 

Phố núi hóa hồn ta từ thuở ấy

Dù chân qua biết mấy nẻo đường

Lưng đã còng như gốc đa cổ thụ

Mặt nhàu nát như con đường đá cũ

Hồn rậm cỏ rầu rầu

                                  thơ trong vắt như sương.

                             (Nguyễn Đức Hạnh)

 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tóm tắt những ý chính trong phần tiểu dẫn?

2. Hình ảnh phố núi trong dòng hoài niệm của tác giả. Giá trị nội dung của tác phẩm.

LUYỆN TẬP

1. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và tâm trạng trong bài thơ có gì đặc sắc ?

2. Hãy viết một đoạn văn ngắn kể lại một kỉ niệm tuổi thơ sâu sắc nhất của mình?

 

  Đọc thêm:

CỤ ĐÁ

Tiểu dẫn

Tác giả:

Sinh năm 1936, quê quán Bắc Ninh nhưng Hữu Tiệp là người gắn bó với quê hương Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng ngay từ thời còn trẻ. Là một giáo viên cấp 1 rồi cấp 2, cấp 3, ông miệt mài trọn đời công tác với nghề dạy học, nhưng công việc sáng tác văn chương đối với ông cũng là một sứ mệnh không kém phần quan trọng. Suốt hơn 40 năm cầm bút, Hữu Tiệp đã nhận nhiều giải thưởng. Đến nay, Hữu Tiệp đã xuất bản 5 tập thơ. Đáng chú ý hơn cả là các tập: "Màu vàng của nắng", Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 1999; "Hai nửa vầng trăng" Nhà xuất bản Văn học, năm 2001; "Cõng ruộng trên lưng" Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2007. Đề tài thơ của Hữu Tiệp khá đa dạng nhưng thường thành công ở những bài thơ miền núi viết cho thiếu nhi, Hữu Tiệp đã có những đóng góp nhất định cho văn học thiếu nhi Thái Nguyên và cả nước.

Tác phẩm:

"Cụ Đá" rút trong tập "Cõng ruộng trên lưng" là bài thơ khá tiêu biểu cho lối mô tả chân thực và ngộ nghĩnh khi viết về thiếu nhi miền núi của Hữu Tiệp.

 

***

 

                 Có tảng Đá đầu bản

                 Như cụ già không tên

                 Bám chân vào lòng đất

                 Suốt đời chẳng ngả nghiêng!

                

                 Cụ sống lâu muôn tuổi

                 Chẳng còn cả tóc râu

                 Tấm lưng trần nhẵn thín

                 Mặc mưa nắng dãi dầu...

 

                 Cụ chẳng cười, chẳng nói

                 Trầm tư giữa đất trời!

                 Thấy sự đời đen bạc

                 Cụ giận toát mồ hôi!...

 

                 Cụ Đá ngồi đầu bản

                 Buồn vui với bao người...

                 Trẻ già noi gương cụ

                 Bền gan bước vào đời!...

                                            (Hữu Tiệp)

 

Bài 20: LIÊN KẾT CÂU VÀ LIÊN KẾT ĐOẠN VĂN

 

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Hiểu và vận dụng được các cách liên kết câu, liên kết đoạn vào thực tế.

 

I. Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Đọc các đoạn văn sau và trả lời:

...Tôi làm theo lời của mẹ, lòng rưng rưng cảm động. Mẹ tôi là thế. Bao giờ mẹ cũng nghĩ đến người khác. Mẹ thường nói với chúng tôi: "Trong bốn phép tính mà mẹ dạy cho  học sinh, phép tính nào cũng cần thiết cả, nhưng phép tính chia là khó nhất. Trong những học trò cũ của mẹ, hồi đi học có người rất giỏi toán nhưng lớn lên họ cũng không làm nổi phép tính chia thông thường". Mẹ thường nhẹ nhàng và đầy ẩn ý dạy dỗ chúng tôi những bài học làm người.

Chính tôi chứ không phải ai khác, nếu không có phép tính chia của mẹ, chia khổ đau, chia bất hạnh, chia miếng cơm manh áo, chia cả sự cảm thông với những người đã sinh ra tôi, thì tôi đâu có được như ngày hôm nay...

(Cây trứng gà bất tử - Hồ Thủy Giang)

1. Hai đoạn văn trên, mỗi đoạn nói về ai? Nói về nội dung gì?

2. Trong đoạn văn thứ nhất các câu được liên kết với nhau bằng phép liên kết nào? Nhận xét trật tự sắp xếp các câu trong đoạn văn.

3. Hai đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau. Tại sao?

Ghi nhớ: Các đoạn văn trong một văn bản cũng như các câu trong một đoạn văn phải liên kết chặt chẽ với nhau về cả nội dung và hình thức.

- Về nội dung:

+ Các đoạn văn phải cùng thể hiện chủ đề của văn bản, các câu trong đoạn văn phải cùng thể hiện chủ đề của đoạn văn.

+ Các đoạn văn, câu văn phải được sắp xếp theo trình tự hợp lý.

- Về hình thức: Các đoạn văn và câu văn có thể liên kết với nhau bằng một số biện pháp chính sau đây:

+ Phép lặp từ ngữ.

+ Sử dụng từ đồng nghĩa, trái nghĩa, hoặc cùng trường liên tưởng.

+ Phép thế.

+ Phép nối.

- Cần sử dụng các phép liên kết trên linh hoạt trong khi xây dựng đoạn văn, tạo lập văn bản.

II. Luyện tập

1. Em nhắc lại thế nào là phép lặp, phép thế, phép nối, phép sử dụng từ đồng nghĩa, trái nghĩa, cùng trường liên tưởng trong việc xây dựng đoạn văn, văn bản.

2. Xác định và nêu tác dụng của phép liên kết trong các trường hợp sau         :

a...Tôi thấu hiểu những điều mẹ nói. Bởi tôi cũng từng chứng kiến bao kẻ chỉ vì không biết hoặc không muốn làm phép tính chia như mẹ mà đã phải chịu cảnh tù tội, tan đàn xẻ nghé.

(Cây trứng gà bất tử - Hồ Thủy Giang)

b. Cuộc đời của gia đình tôi cứ thế trôi qua một cách êm ả như vậy. Nhưng nào ngờ, đến cuối năm mẹ tôi mắc một căn bệnh hiểm nghèo.

(Cây trứng gà bất tử - Hồ Thủy Giang)

3. Xác định phép liên kết câu và liên kết đoạn văn trong trường hợp sau:

Đến khi mía cao hơn đầu người, lá lòa xòa đan xen rậm rạp rủ đàn chim sẻ cánh nâu óng ả, chim cu cườm lông vàng trắng đỏm dáng về xây tổ là đến lúc thay áo mới cho mía. Những bẹ mía dài bàng bạc ngả màu bóc đi cây mía mới cho nhiều mật ngọt.

Mùa bóc lá, người bản ra bãi mía từ lúc thung lũng còn thở ra biển sương mù dầy đặc. Nghe tiếng cười nói lao xao, tiếng bước chân ràn rạt đạp lên lá khô mải miết, mới biết có người đi phía trước, phía sau. Đến lúc mặt trời đủng đỉnh vươn ra sau dãy Phja Khao răng cưa là lúc bãi mía râm ran tiếng trêu nhau ơi ới của đám thanh niên. Trai gái tụ tập nhau đi làm đổi công, làm hết nhà mình đi làm hộ nhà người bản. Làm còn để được ngắm nhau, được thủ thỉ nói cho nhau những điều thầm kín...Thế nên, chẳng mấy chốc, cả vạt mía rộng được bóc lớp áo cũ, bỗng lộ ra những đốt mía tròn trĩnh, vàng óng như bắp tay con gái tuổi dậy thì..."

(Hoa mía - Bùi Thị Như Lan)

4. Viết đoạn văn với chủ đề "Quê hương". Chỉ ra những phép liên kết câu và liên kết đoạn văn mà em đã sử dụng.

 

 


Bài 21: LUYỆN TẬP LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ

TÁC PHẨM HOẶC ĐOẠN TRÍCH TRUYỆN, THƠ

TRONG CHƯƠNG TRÌNH VĂN HỌC ĐỊA PHƯƠNG

 

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Nắm vững cách làm bài nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn học (truyện hoặc thơ).

 

1. Chọn một văn bản (thơ, truyện) bất kỳ trong phần văn học địa phương từ lớp 6 đến lớp 9 để làm ngữ liệu.

2. Giáo viên ra đề trước để học sinh chuẩn bị theo yêu cầu (trên cơ sở một tác phẩm hay đoạn trích được giáo viên và học sinh quan tâm).

3. Tổ chức học sinh luyện tập tại lớp như các giờ luyện tập khác của phân môn Làm văn.

4. Sau giờ luyện tập trên học sinh về nhà viết thành bài hoàn chỉnh và thu lại để đánh giá kết quả học tập.

 


Bài 22: HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA VỀ VĂN HỌC ĐỊA PHƯƠNG

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Củng cố kiến thức và cách tuyên truyền cho văn học địa phương. Trân trọng, yêu thích và tự hào về văn hóa nghệ thuật của quê hương.

 

1. Hệ thống lại toàn bộ chương trình Ngữ văn địa phương đã học (lập bảng thống kê theo yêu cầu của giáo viên để tổng kết chương trình)

2. Lên kế hoạch cụ thể và giao nhiệm vụ cho học sinh.

3. Một số hình thức có thể lựa chọn để hoạt động: kể chuyện, ngâm thơ, bình thơ, bình văn và thi hiểu biết về văn học địa phương.


 

MỤC LỤC

 

LỚP 6. 2

Bài 1: Vài nét về văn học Thái Nguyên.. 2

Bài 2: Sự tích Đền Thượng Núi Đuổm... 18

Bài 3: Sự tích Sông Công, Núi Cốc. 23

Bài 4: Tua Tềnh Tua Nhì 31

Bài 5: Biện pháp so sánh trong truyền thuyết, cổ tích.. 46

Bài 6: Thi kể chuyện truyền thuyết, cổ tích.. 47

LỚP 7. 48

Bài 7: Ca dao, tục ngữ Thái Nguyên ( ở Đại Từ, Phú Lương, Phú Bình, Định Hóa)  48

Bài 8: Một số biện pháp tu từ trong ca dao địa phương. 51

Bài 9: Hướng dẫn sưu tầm thành ngữ, tục ngữ, ca dao địa phương.. 52

Bài 10: Theo Sgk Ngữ  văn 7.. 53

LỚP 8. 54

Bài 11: Đường về với mẹ chữ.. 54

Bài 12: Thơ về nhà mình.. 68

Bài 13: Ông ngoại 71

Bài 14: Chữa lỗi diễn đạt cho học sinh địa phương (dân tộc ít người)  76

Bài 15: Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong văn xuôi và thơ địa phương   77

LỚP 9. 79

Bài 16: Cây trứng gà bất tử.. 79

Bài 17: Tình sông. 91

Bài 18: Hoa sớm... 95

Bài 19: Phố núi 98

Bài 20: Liên kết câu và liên kết đoạn văn.. 103

Bài 21: Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm hoặc đoạn trích truyện, thơ trong chương trình văn học địa phương. 107

Bài 22: Hoạt động ngoại khóa về văn học địa phương. 108

 



[1] Ý nói về với chữ nghĩa, với kiến thức.

Tác giả: admin
Lượt xem: 1.690
Nguồn:thcsttdinhca.thainguyen.edu.vn Copy link
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 1
Tháng 04 : 65
Năm 2024 : 1.365